Khát khao của cầu thủ Viettel ở tuyển Việt Nam

Hình ảnh Nhâm Mạnh Dũng bật cao đánh đầu ghi bàn thắng duy nhất giúp U23 Việt Nam giành HCV SEA Games có thể đại diện cho những nỗ lực, đóng góp của cầu thủ Viettel nói riêng cũng như đội bóng áo lính nói chung cho bóng đá Việt Nam. Thực tế diễn ra còn nhiều hơn thế với những khát khao của 'người Viettel'.

Dấu ấn ở U23 Việt Nam

Nhâm Mạnh Dũng trở thành cái tên hot nhất U23 Việt Nam từ sau bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan. Trước đó, cầu thủ này chỉ là “phương án B” của HLV Park Hang-seo. Anh thậm chí còn không được chơi ở vị trí tiền đạo sở trường. Lấy một hình ảnh để so sánh, những trạng thái trên trang cá nhân của cầu thủ này đã tăng lượng tương tác (thích, bình luận, chia sẻ) một cách chóng mặt, lên gấp nhiều lần trước khi anh ghi bàn ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 vừa qua.

Để đạt được những thành công như vậy, Mạnh Dũng, như bao cầu thủ đã thành danh khác, mất nhiều thời gian rèn rũa, chờ đợi cơ hội và tỏa sáng khi thời cơ chín muồi. “Điều quan trọng là bản thân tôi phải luôn duy trì sự khát khao, cố gắng tập luyện và sẵn sàng khi được trao cơ hội”, cầu thủ sinh năm 2000 nói.

Nhắc đến Mạnh Dũng với cú đánh đầu hiểm hóc ở phút 83, không thể bỏ qua Phan Tuấn Tài, người kiến tạo để đồng đội ghi bàn thắng quan trọng nhất sự nghiệp, như lời Mạnh Dũng nói sau trận đấu. Không phải là lựa chọn hàng đầu của HLV Park trước khi SEA Games diễn ra, nhưng Tuấn Tài từng bước khẳng định mình và dần chiếm suất đá chính nhờ bộ óc tinh quái cùng đôi chân rất “ngoan” của mình. Những pha tạt bóng của anh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho khung thành đối phương và một trong những pha bóng như thế đã làm nên bàn thắng, đưa U23 Việt Nam đến với tấm HCV lần thứ 2 liên tiếp tại SEA Games.

Đánh giá Tuấn Tài, Phó giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá Viettel Nguyễn Hải Biên chia sẻ: “Tuấn Tài là cầu thủ chăm chỉ, cầu tiến. Trong quá trình đào tạo ở CLB, có rất nhiều yếu tố để đánh giá về mặt chuyên môn và Tài đều đáp ứng tốt những yêu cầu. Qua SEA Games 31, Tuấn Tài trưởng thành rất nhiều. Hay ngược về trước đó nữa, ở giải U22 Đông Nam Á tại Campuchia, cậu ấy cũng tiến bộ nhiều dù là người được triệu tập bổ sung.

Tuấn Tài là cầu thủ rất chịu khó, biết nắm bắt cơ hội. Về chuyên môn, HLV Park cũng như BHL U23 Việt Nam cân nhắc rất kĩ các nhân tố cần thiết để thi đấu SEA Games. Và Tuấn Tài đã thể hiện được, để được HLV Park lựa chọn”.

Trước khi Nhâm Mạnh Dũng trở thành tâm điểm với cú đánh đầu rung lưới thủ môn Kawin, một cầu thủ Viettel khác cũng khiến người hâm mộ nước nhà nức lòng, cũng từ một pha đánh đầu. Trên sân Saitama, trung vệ sinh năm 2000 bật cao cao hơn tất cả, đánh đầu ghi bàn, giúp tuyển Việt Nam có trận hòa 1-1 lịch sử trước chủ nhà Nhật Bản. Đó là Nguyễn Thanh Bình.

Thanh Bình trưởng thành hơn, “quái” hơn và tỏa sáng ở cấp độ U23 tại giải Đông Nam Á cũng như SEA Games 31. Cầu thủ là nhân tố chính trong chiến dịch bảo vệ HCV SEA Games của U23 Việt Nam.

Cùng với “anh cả” Hoàng Đức trong nhóm cầu thủ Viettel ở U23 Việt Nam tại giải đấu vừa qua, Thanh Bình là cầu thủ nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế và anh đã chứng tỏ giá trị, đáp lại niềm tin từ ban huấn luyện khi cùng hàng thủ đội nhà giành HCV SEA Games mà không để lọt lưới bàn nào.

Tiềm năng phát triển song hành cùng tiềm năng cống hiến

Ở U23 Việt Nam, ngoài thủ môn Văn Toản cùng nhóm cầu thủ quá tuổi, hầu hết đều còn rất non kinh nghiệm. Chưa kể V.League, nhiều cầu thủ cũng ít được ra sân tại giải Hạng Nhất quốc gia. Nhâm Mạnh Dũng hay Phan Tuấn Tài không phải là ngoại lệ.

Tuấn Tài được CLB Viettel cho Đắk Lắk mượn trong những tính toán giúp cầu thủ này tích lũy nhiều hơn, trước khi đủ sức lên chơi ở V.League. Dù vậy, theo ông Hải Biên, kinh nghiệm là thứ không ai dạy dỗ được. “Mỗi cầu thủ phải tự trau dồi, tích lũy vào cho bản thân. Nó cần thời gian chứ không phải chuyện sớm chiều. Cầu thủ phải qua lần lượt các môi trường hạng Nhất, V.League… mới trưởng thành được”.

Theo ông Biên, hậu vệ cánh trái này còn phải cải thiện cả về thể chất để phù hợp hơn với môi trường bóng đá hiện đại. Dù vậy, ông không quá lo lắng cho “gà nhà”. Ngôi sao Hoàng Đức cũng ở vào hoàn cảnh tương tự và tới lúc này vẫn đang tự hoàn thiện bản thân, gia tăng thể chất. “Khoảng một năm đổ lại đây, Hoàng Đức mới cải thiện được đáng kể về khía cạnh thể chất. Tập luyện, thi đấu nhiều giúp Hoàng Đức tiến bộ rất nhanh. Với Tuấn Tài, chúng tôi cũng kỳ vọng thế”, ông nói.

Trường hợp Nhâm Mạnh Dũng, vị phó giám đốc đặt niềm tin lớn nhờ tư duy chơi bóng và thể hình “chuẩn châu Âu” của cầu thủ này. “Điều Mạnh Dũng còn yếu là sự tự tin, bởi ít được thi đấu tại V.League. Tôi nghĩ sau 2-3 năm nữa, Mạnh Dũng rất có khả năng sẽ tranh chấp vị trí tiền đạo mũi nhọn ở đội tuyển Việt Nam, nếu trong khoảng thời gian đó cậu ấy được thi đấu thường xuyên và liên tục phát triển”, ông Biên chia sẻ.

Mạnh Dũng, Tuấn Tài, Thanh Bình hay Hoàng Đức cùng có một điểm chung là tính cách khá lành, ít nói ở ngoài đời. Điều này đến từ phương cách đào tạo ở lò Viettel. Đội bóng này đề cao tính kỷ luật và đạo đức của cầu thủ lên trên hết. Ông Biên thừa nhận cách làm này khiến các cầu thủ trẻ của mình có đôi chút thiệt thòi. “Có thể khi còn nhỏ, các em thiệt thòi vì bị gò kỷ luật quá sớm, nhưng sẽ tốt cho chính các em khi trưởng thành. Ngay cả khi không làm cầu thủ chuyên nghiệp, với tính cách kỷ luật các em vẫn sẽ được mọi người tôn trọng”, ông nói.

“Chúng tôi hướng tới đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, chứ không chạy theo các mục tiêu ngắn hạn, như là buộc phải HCV U13, hay HCV U15… Cái đó nếu đạt được thì tốt, nhưng không phải tất cả. CLB Viettel cố gắng đào tạo cầu thủ cầu thủ có thể đáp ứng chuyên môn của CLB khi được chơi chuyên nghiệp. Xa hơn, chúng tôi hướng đến mục tiêu đóng góp cho các đội tuyển quốc gia những cầu thủ tốt cả về trình độ lẫn đạo đức”, ông Biên chia sẻ.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khat-khao-cua-cau-thu-viettel-o-tuyen-viet-nam-post1441438.tpo