Khập khiễng khi so sánh giá mua ở siêu thị với chợ

Khi gọi là chuỗi thì sản phẩm tham gia đó phải sạch từ đồng ruộng, trong suốt quá trình trồng trọt, chăn nuôi cho đến phân phối.

Ngày 15-8, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trao chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho 33 đơn vị thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) gồm hệ thống Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, Kho Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống Bình Dương.

Để tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn, hệ thống 33 đơn vị trên, 21 nhà cung cấp các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… phải duy trì công tác kiểm soát điều kiện cơ sở vật chất tại đơn vị kinh doanh, đảm bảo các yêu cầu quy định chuỗi an toàn. Duy trì kiểm soát chất lượng hàng hóa đối với các sản phẩm đang kinh doanh và các dấu hiệu nhận diện.

Đối với các nhà cung cấp, sản xuất phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng và kiểm soát tốt từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban ATTP, để được cấp giấy chứng nhận này là cả quá trình nỗ lực lớn của doanh nghiệp (DN). Khi gọi là chuỗi thì sản phẩm tham gia đó phải sạch từ đồng ruộng, trong suốt quá trình trồng trọt, chăn nuôi cho đến phân phối. Vì vậy VietGAP, GlobalG.A.P cùng những tiêu chuẩn khác nằm trong chuỗi này.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng thông tin thêm hiện nay, song song tồn tại cùng kênh siêu thị là các chợ truyền thống. Ban ATTP cùng các cơ quan chức năng khác đang nỗ lực làm sao nâng chất lượng và bảo đảm nguồn gốc, ATTP ở các chợ truyền thống.

“Tuy nhiên, tôi xin nói thẳng, để thay đổi ý thức đặc biệt là mô hình kinh doanh tại các chợ truyền thống thì khó khăn hơn nhiều so với những mô hình hiện đại. Ở Saigon Co.op, với hệ thống quản lý chất lượng nội tại thì chất lượng thực phẩm được bảo đảm từ hệ thống phòng kiểm nghiệm, test nhanh hằng đêm...” - bà Lan nói.

Bà Lan kể hôm qua Ban có cuộc họp cùng DN và lãnh đạo TP, hầu như DN cũng đề đạt nguyện vọng vào hệ thống siêu thị, trong đó có Saigon Co.op, nhưng còn nhiều rào cản. Nhà bán lẻ luôn theo phương châm của mình, có sự tự chọn lọc nội tại bởi các tiêu chí về ATTP tôi ủng hộ.

Do đó, tiêu chí để DN vào không chỉ là kinh tế mà là chất lượng, ATTP. Khi vào quầy kệ rồi, nếu bản thân hàng hóa của DN đó không tiếp tục cạnh tranh về giá cả, chất lượng thì sẽ bị đào thải.

“Chúng tôi đồng hành cùng Saigon Co.op trong nhiệm vụ kiểm soát chất lượng thực phẩm làm sao bảo đảm có sự cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng. Nếu lúc nào cũng nói giá ở siêu thị đắt mà bên ngoài rẻ hơn thì khập khiễng. Làm sao so sánh giữa một hệ thống phân phối hiện đại với toàn bộ hệ thống kiểm tra chất lượng bảo đảm ATTP với những chợ cóc, chợ vỉa hè, chợ tạm, mua bán không phép.

Muốn có thực phẩm sạch thì người dân phải ủng hộ chứ chúng ta mong có thực phẩm sạch mà mua bất kỳ chỗ nào, bất kể sản phẩm gì và sau đó lại gánh hậu quả” - bà Lan nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/khap-khieng-khi-so-sanh-gia-mua-o-sieu-thi-voi-cho-787717.html