Khảo sát tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại tỉnh Quảng Ngãi

Sáng ngày 05/10, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường – Phó Trưởng ban thường trực Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi nhằm khảo sát thực trạng tổ chức, hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bản tỉnh

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí lãnh đạo Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ: Vụ trưởng Nguyễn Ngọc Vân, Phó Vụ trưởng Trần Trung Kiên; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và một số công chức Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía UBND tỉnh Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ; Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị. Để bảo đảm chất lượng của Đề án, phù hợp tình hình thực tế tại các địa phương, Bộ Nội vụ tổ chức khảo sát tại tỉnh Quảng Ngãi nhằm nghe báo cáo cụ thể về thực trạng, những khó khăn vướng mắc về tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tập trung vào các vấn đề như: cơ cấu tổ chức tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức; quy mô bồi dưỡng theo phân cấp tại Nghị định 101/NĐ-CP; việc biên soạn chương trình, tài liệu theo thẩm quyền được giao; cơ sở vật chất; cơ chế hoạt động cũng như những đề xuất, kiến nghị các giải pháp tổ chức, sắp xếp lại và định hướng hoạt động hiệu quả của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng cho biết, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 01 Trường Chính trị tỉnh và 14 Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có 3 phòng, 4 khoa với 40 công chức, viên chức, trong đó: 03 chuyên viên chính, 12 chuyên viên, 01 cán sự, 24 giảng viên. Về trình độ chuyên môn có 01 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 18 Đại học và 01 Cao đẳng, Trung cấp.

Giai đoạn 2016-2018, Trường đã mở 72 lớp đào tạo, bồi dưỡng với số lượng là 7.041 học viên. Trong đó, có 08 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên với số lượng 750 học viên, 02 lớp cập nhật kiến thức cho lãnh đạo, quản lý với số lượng 235 học viên; 57 lớp bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành với số lượng 5.771 học viên và 5 lớp thuộc các chương trình bồi dưỡng khác với số lượng 285 học viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện của tỉnh hiện có 54 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: 08 chuyên viên chính, 41 chuyên viên, 04 cán sự và 01 viên chức hạng III. Trình độ chuyên môn có 09 Thạc sĩ, 42 Đại học và 03 Cao đẳng/Trung cấp. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã tổ chức mở các lớp bồi dưỡng cho 50.893 học viên, gồm các lớp bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; bồi dưỡng lý luận chính trị về sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, cho đảng viên mới... Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng khác: mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề, các lớp bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng cập nhật, các đường lối, chủ trương chính sách của đảng và nhà nước... cho 22.881 học viên.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Bộ Nội vụ Nguyễn Ngọc Vân phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Nguyễn Ngọc Vân đồng tình với những khó khăn của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; đồng thời cũng đề nghị tỉnh làm rõ thêm về định hướng sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo tinh thần của Nghị quyết 19-TW/NQ; về quy mô, vị trí, cơ chế hoạt động của Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Trần Trung Kiên đề nghị tỉnh làm rõ mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng địa phương với trung ương; về định hướng phát triển đội ngũ giảng viên cần tăng hay giảm giảng viên cơ hữu; đánh giá vai trò của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong 10 năm qua, vai trò hiện nay và kiến nghị mô hình phù hợp.

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Trần Trung Kiên phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, về tự chủ tài chính, đại diện Trường Chính trị tỉnh cho biết, Trường đã tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, năm 2017 tự chủ 18%, dự kiến năm 2022 tự chủ 41%, và đến năm 2025 tự chủ 75%.
Trên cơ sở kinh phí tự chủ một phần, trường đã chủ động hợp đồng theo vị trí viêc làm và nhu cầu công việc; có sư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo và bồi dưỡng; giảng dạy và học tập; nghiên cứu khoa học
Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện “tự chủ tài chính là không khả thi” bởi việc bồi dưỡng tại cấp huyện chủ yếu thực hiện theo nhiệm vụ được giao - Đại diện huyện Bình Sơn nhấn mạnh.
Về cơ quan quản lý, đại diện các sở, ban, ngành và các huyện đều cho rằng hiện nay đang song trùng quản lý giữa tỉnh ủy và UBND tỉnh, giữa huyện ủy và UBND huyện, do đó quá trình làm việc còn những chồng chéo, chưa đồng bộ.
Đối với Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, một số ý kiến đề xuất nên thành lập Trung tâm bồi dưỡng theo cụm hoặc đưa về Ban Tuyên giáo huyện ủy để thống nhất một đầu mối quản lý.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đánh giá cao và ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn của tỉnh. Thứ trưởng cho rằng hoạt động đào tạo bồi dưỡng của tinh đúng quy định nhưng cần có hướng cơ cấu, sắp xếp mạnh mẽ hơn nữa và hướng tới giải pháp tự chủ, giao việc. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp các ý kiến, có nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành Đề án khoa học, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Toàn cảnh buổi làm việc

Hà Nguyên

Nguồn Bộ Nội Vụ: https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong-cua-bo-noi-vu/khao-sat-to-chuc-va-hoat-dong-cua-cac-co-39728.html