Khảo sát tình hình thực hiện Luật BHYT tại Thanh Hóa

Ngày 5 -9, Đoàn công tác liên ngành (Vụ BHYT - Bộ Y tế, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, Ban thực hiện Chính sách BHYT - BHXH Việt Nam) đã có buổi làm việc với Sở Y tế về tình hình thực hiện Luật BHYT trên địa bàn tỉnh và lấy ý kiến về sửa đổi Luật BHYT sắp tới.

Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác tổ chức, triển khai mở rộng đối tượng tham gia và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật BHYT. Đối tượng tham gia ngày càng tăng, độ bao phủ thẻ đạt chỉ tiêu giao và đạt trên mức bình quân chung toàn quốc. Cụ thể năm 2015 đạt 79,14%, năm 2016 đạt 82,3%, năm 2017 đạt 84,96%. Cùng với việc mở rộng độ bao phủ, ngành y tế từng bước nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, như việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, chưa quan tâm quyền lợi người lao động; tình trạng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh BHYT; chưa thống nhất nội dung về giám định, kiểm tra, hướng dẫn giải quyết giữa ngành BHXH và ngành y tế; chi phí khám chữa bệnh vượt quỹ chậm thanh toán làm ảnh hưởng đến việc cân đối kinh phí của bệnh viện; còn một số nhóm đối tượng có tỷ lệ bao phủ thấp là người lao động ở các doanh nghiệp, hộ gia đình…

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế phát biểu tại buổi làm việc.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do một bộ phận doanh nghiệp và người dân thiếu thông tin và nhận thức chưa đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT; chất lượng khám chữa bệnh của một số cơ sở khám chữa bệnh chưa cao, người dân chưa hài lòng, làm ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT. Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp về lĩnh vực BHXH, BHYT chưa nghiêm, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, một số địa phương phần lớn dân số là người thuộc hộ gia đình thuần nông và dân tộc thiểu số, thu nhập dân cư còn thấp nên người dân gặp khó khăn trong việc tham gia BHYT; việc triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT chậm, đường truyền kết nối chậm.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung về quản lý nhà nước đối với BHYT, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, đối tượng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT; tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình; phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; thực hiện đồng chi trả; đăng ký khám chữa ban đầu; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; công tác giám định BHYT, giám sát, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh BHYT; tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương… Đồng thời đề xuất cần có sự phân công chức năng quản lý nhà nước rõ ràng hơn nữa trong việc thực thi Luật để bảo đảm Luật đi vào cuộc sống…

Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc được Đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao. Đây là cơ sở để tham mưu phát triển chính sách pháp luật về BHYT, nhằm đóng góp cho việc sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới đáp ứng những yêu cầu mới của chính sách pháp luật, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHYT.

Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn liên ngành đã có chương trình khảo sát tình hình KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BHXH tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hà, Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn và Trạm Y tế xã Nga An.

Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/motnzp/new-article.aspx