Khảo sát sự hài lòng của người bệnh: Có thực tâm, thực chất?

Kết quả khảo sát mới đây được Bộ Y tế công bố cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng.

Mặc dù chỉ số PSI đã có sự cải thiện tích cực nhưng để người bệnh thực sự hài lòng và cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi đau ốm đi viện, đòi hỏi các bệnh viện phải nỗ lực hơn nữa từ những việc nhỏ nhất, như bảo đảm nhà vệ sinh bệnh viện sạch sẽ cho tới thái độ ứng xử của y, bác sĩ và thủ tục hành chính...

Chưa phản ánh hết thực tế

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), qua khảo sát 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5 điểm, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng. Tỷ lệ 20% còn lại chủ yếu là người bệnh phản ánh, phàn nàn về cơ sở vật chất của các bệnh viện.

Trong các chỉ số hài lòng thì các chỉ số về trình độ, tay nghề chuyên môn của thầy thuốc, kết quả điều trị, thái độ giao tiếp với bệnh nhân, giường và chăn drap gối nệm của bệnh viện, giải thích tình trạng bệnh và điều trị... đã làm hài lòng hơn. Khảo sát này cũng cho thấy 2 chỉ số khiến người bệnh phiền lòng là giá viện phí và nhà vệ sinh bệnh viện.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, với tỷ lệ 80,8% bệnh nhân và thân nhân hài lòng trên con số tham chiếu hơn 7.500 tham gia khảo sát là rất khó phản ánh đúng thực chất. Bởi lẽ, có những điều người bệnh muốn nêu nhưng chưa được phản ánh trong nội dung phiếu khảo sát.

Người dân đánh giá chất lượng dịch vụ tại ki-ốt khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THÀNH SƠN

Người dân đánh giá chất lượng dịch vụ tại ki-ốt khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THÀNH SƠN

“Việc ngành y tế triển khai đo chỉ số hài lòng của người bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để đây là cơ sở cho các bệnh viện phát huy được mặt tốt, chấn chỉnh những hạn chế đang tồn tại, chứ không phải là những chỉ số mang tính hình thức, làm cho xong...”, một chuyên gia y tế nhìn nhận.

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM vẫn còn tình trạng bác sĩ mở đơn thuốc có sẵn và điều dưỡng đo huyết áp, cặp nhiệt độ, điền sẵn chỉ số, hoàn thành đơn thuốc… Bệnh nhân chỉ việc nhận đơn thuốc rồi đi, không một lời trao đổi, hỏi thăm… là một sự vô cảm.

Tiếp tục nỗ lực hơn

Để có được kết quả sự hài lòng người bệnh, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đó là quá trình thực hiện tổng hợp rất nhiều giải pháp, sự nỗ lực cao của toàn ngành y tế. Song hiện mới có hơn 80% người dân hài lòng khi đến bệnh viện, có nghĩa vẫn còn gần 20% chưa hài lòng. Điều đó chứng tỏ cán bộ ngành y tế cần nỗ lực hơn nữa, bởi vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ quy trình chuyên môn, có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực.

Để hướng tới nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng không ai khác mà chính là lãnh đạo các bệnh viện phải thực sự quan tâm tới bộ mặt của đơn vị về: cơ sở vật chất phải khoa học, sạch sẽ, gọn gàng; bố trí tăng cường thêm cây xanh; thiết kế sơ đồ các phòng ban ngắn gọn, dễ hiểu để hướng dẫn người bệnh; lập số khám bệnh điện tử hợp lý, hạn chế tình trạng để bệnh nhân chờ khám bệnh quá lâu; lắp đặt hệ thống nước uống tiện lợi; cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh.

Cùng với đó, các bệnh viện còn cần cải thiện tình trạng quá tải; đẩy mạnh áp dụng bệnh viện thông minh, áp dụng tiêu chuẩn “vàng” trong quản lý chất lượng, đổi mới cơ chế tài chính; xây dựng quy định về khám bệnh theo yêu cầu.

Bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trước thực trạng hàng quán, rác rưởi bừa bộn, lộn xộn ở cổng ra vào, được cho là bộ mặt của một số bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác này đang gặp khá nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc, giúp đỡ của chính quyền, công an. Đối với người bệnh, cán bộ ngành y phải luôn ân cần, chăm sóc, đặt lợi ích của họ lên hàng đầu, trong mọi hoàn cảnh phải niềm nở, hướng dẫn tận tình, tạo tâm lý thoải mái cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

“Các bệnh viện cần quyết liệt hơn trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tiếp tục tập huấn, thực hiện đổi mới trang phục; công tác xã hội; quy tắc ứng xử; hòm thư góp ý; cơ sở xanh - sạch - đẹp, quy chuẩn khám chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ và tuân thủ đường dây nóng tại các bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

TPHCM: Số lượt phản ánh không hài lòng tăng

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tháng 5-2019 số lượt phản ánh không hài lòng tại các bệnh viện công lập tăng so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 5 có 3.128 lượt phản ánh, tăng 27% so với tháng 4-2019 (2.460 lượt), giảm 31% so với cùng kỳ năm 2018 (4.541 lượt).

Phân bố các nội dung phản ánh không hài lòng theo chiều hướng tăng đáng chú ý là: dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh (tăng 42%), khâu làm thủ tục đăng ký khám (tăng 40%), chăm sóc người bệnh của điều dưỡng (tăng 36%), nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện (tăng 33%).

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện tập trung rà soát và củng cố những vấn đề được người bệnh quan tâm và phản ánh trong tháng 5-2019, nhất là tiếp tục cải tiến khâu làm thủ tục đăng ký khám, các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh tại khu khám bệnh, nâng cấp nhà vệ sinh khu vực ngoại trú, và công tác hướng dẫn, chăm sóc người bệnh của điều dưỡng tại các phòng khám.

THÀNH AN - MINH KHANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khao-sat-su-hai-long-cua-nguoi-benh-co-thuc-tam-thuc-chat-599786.html