Khảo sát khu di tích Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường

Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa vừa phối hợp với huyện Thọ Xuân cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa khảo sát, điền dã khu di tích Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường.

GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (giữa) cùng các nhà nghiên cứu khảo sát tại xã Thuận Minh (huyện Thọ Xuân)

Tham gia buổi khảo sát, điền dã có GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam; TS Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo huyện Thọ Xuân, xã Thuận Minh, Thọ Lập và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, quản lý văn hóa…

Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường cách Lam Kinh về phía Đông gần 7 km thuộc 2 xã Thuận Minh và Thọ Lập (Thọ Xuân), được vua Lê Trang Tông tạo lập năm 1546 trên địa phận sách Vạn Lại.

Năm 1553 vua Lê Trang Tông cho dời hành dinh đến An Trường (hay còn gọi Yên Trường) vì cho rằng hình thế của Yên Trường rộng rãi, sáng sủa. Năm 1573 đời vua Lê Thế Tông lại chuyển hành dinh về Vạn Lại.

Các nhà nghiên cứu khảo sát tại xã Thọ Lập

Vạn Lại - Yên Trường là kinh đô của Đại Việt dưới triều Lê Trung Hưng cho tới năm 1593 khi nhà Lê - Trịnh lấy lại được Thăng Long và dời đô về đây.

Trải qua bao thăm trầm, nơi đây chỉ còn nền móng cung điện hoang phế với hai cặp voi đá và ngựa đá được chế tác từ đá xanh nguyên khối trên địa bàn xã Thuận Minh (Thọ Xuân). Còn khu hành dinh Yên Trường thuộc xã Thọ Lập chỉ còn ít nền móng và một tượng phỗng đá bị vỡ.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và chính quyền địa phương đã đến các điểm di tích như giếng mắt rồng, đàn tế Nam Giao, tường thành… thu thập tư liệu, phân tích vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Buổi thảo luận về kinh đô Vạn Lại - Yên Trường tại xã Thuận Minh

Từ đánh giá thực trạng di tích của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, là cơ sở để Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa tham mưu, đề xuất tổ chức Hội thảo khoa học Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong năm 2021, nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khao-sat-khu-di-tich-kinh-do-van-lai-yen-truong/130290.htm