Khảo sát công tác bảo quản, tu bổ di tích và các thiết chế văn hóa

Ngày 29-5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và công tác đầu tư, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục - thể thao tại quận Tây Hồ, Đống Đa từ năm 2016 đến nay.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến cùng dự.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND quận Tây Hồ về công tác quản lý, tu bổ di tích và các thiết chế văn hóa trên địa bàn quận.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với UBND quận Tây Hồ về công tác quản lý, tu bổ di tích và các thiết chế văn hóa trên địa bàn quận.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Tây Hồ Chu Thị Thùy Giang, toàn quận có 71 di tích các loại. Thời gian qua, UBND quận đã quan tâm chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện tốt lĩnh vực này, nên công tác quản lý di tích được thực hiện đồng bộ, đúng quy định.

Đặc biệt, quận cũng làm tốt công tác xã hội hóa để tu bổ các di tích. Từ đó, công tác tổ chức lễ hội được duy trì hằng năm, bảo đảm trang trọng, lành mạnh, không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, mê tín dị đoan, thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân tham gia.

Đối với các thiết chế văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, UBND quận Tây Hồ cũng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa theo phương châm hướng về cơ sở; tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống văn hóa phường, nhà sinh hoạt trên địa bàn dân cư.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết, quận có 76 di tích được phân bổ tại 19/21 phường, trong đó có 55 di tích đã được nhà nước xếp hạng. Từ năm 2016 đến nay, UBND quận đã ban hành 7 kế hoạch về công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử văn hóa và lễ hội; tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị chuyên đề triển khai đến các phường, tiểu ban quản lý di tích, người trụ trì, trông nom di tích.

Ngoài ra, trên địa bàn quận có 154 nhà sinh hoạt cộng đồng, 109 vườn hoa, sân chơi, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc tu bổ, tôn tạo di tích ở một số phường thuộc quận Tây Hồ còn mang tính tự phát. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, di tích các cấp chưa được đào tạo về nghiệp vụ, chủ yếu kiêm nhiệm, nên thiếu kiến thức, kinh nghiệm và thời gian dành cho công tác tôn giáo, di tích.

Tại quận Đống Đa, việc huy động nguồn xã hội hóa trong tu bổ di tích gặp nhiều khó khăn, mới chỉ thu hút được nguồn xã hội hóa ở lĩnh vực thể dục, thể thao.

Đặc biệt, quận là đô thị lõi, nhưng thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao cấp phường, do đó các hoạt động văn hóa, thể thao đều phải mượn trụ sở trường học.

Đoàn khảo sát đề nghị UBND quận Tây Hồ và UBND quận Đống Đa tiếp tục kiểm kê, thiết lập hồ sơ quản lý, tiến tới số hóa dữ liệu quản lý, chống lấn chiếm, lập dự án tu bổ các di tích nhằm phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; tiếp tục tổ chức quản lý ngăn nắp các đình, đền, di tích; chọn những người có tâm huyết tham gia chủ trì, quản lý di tích tại cơ sở.

Đoàn khảo sát cũng đề nghị hai quận quan tâm, dành quỹ đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tu bổ các di tích, điểm vui chơi văn hóa, thể thao.

Tuấn Việt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/936276/khao-sat-cong-tac-bao-quan-tu-bo-di-tich-va-cac-thiet-che-van-hoa