Khao khát an cư - lạc nghiệp

Thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước, cũng chẳng còn lo sợ mỗi khi mưa xuống hay bão về, nhưng lại bấp bênh tìm nghề để trụ vững trên bờ. Đó là tâm sự của những người dân chài ở huyện Yên Định khi được lên bờ an cư.

Khu tái định cư của dân chài xã Định Hải (Yên Định).

Đến khu định cư của những người dân chài xã Định Hải, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi phần lớn người dân ở đây là người già, trẻ nhỏ và một vài người phụ nữ. Ông Nguyễn Văn Vân (thôn chài Duyên Lập) cho biết: Ông sinh sống trong gia đình có truyền thống nhiều đời mưu sinh bằng nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh trên sông nước, kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác. Gia đình ông là một trong những hộ được địa phương hỗ trợ đất và vận động lên bờ từ năm 2009. Được Nhà nước hỗ trợ đất để lên bờ, làm nhà, sinh sống tôi mới có được những năm tháng tuổi già bình yên bên con cháu. Con trai của tôi do không biết chữ, loay hoay mãi không trụ được với những nghề mới trên cạn nên vẫn đi thuyền làm nghề chài lưới trên sông. Các cháu của tôi được đến trường, biết chữ, đi làm tại các công ty, cuộc sống dần ổn định.

Được lên bờ an cư là khao khát của tất cả những người dân chài. An cư để bình yên, để không còn nỗi lo khi mưa bão về, không còn những giây phút xao xác, tang thương khi thấy một ai đó đã nằm dưới sông mãi mãi do sẩy chân bất cẩn. Nhớ về những ngày lênh đênh trên sông nước, đơn độc gồng gánh gia đình với người chồng bị bệnh thần kinh và 3 đứa con thơ mà nước mắt chị Ngô Thị Thủy (thôn Phú Khang, Định Công) vẫn trực trào theo từng câu nói: Thân gái sông nước khiến tôi luôn sống trong lo sợ, nhưng lo sợ và ám ảnh nhất là khi nghe tin có một cháu bé không may rơi xuống sông chết đuối. Vội vã chạy về, khi thấy chúng vẫn bình an lòng tôi nhẹ đi nhưng vẫn không khỏi xót xa, thương cảm và bất lực trước cảnh sống lênh đênh sông nước.

Huyện Yên Định có 338 hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông thuộc các xã Quý Lộc, Định Hải, Định Tân, Định Tiến, Định Công. Hầu hết các hộ dân chài đều thuộc diện hộ nghèo; tài sản của người dân chài lưới nơi đây không có gì đáng giá ngoài chiếc thuyền, vài tấm lưới đánh, bắt cá và vài cái nồi niêu, xoong, chảo. Để người dân ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã vận động các hộ dân chài lưới lên bờ sinh sống. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các xã quy hoạch đất, cấp đất cho các hộ dân đồng thời kêu gọi các tổ chức chung tay hỗ trợ các hộ dân xây nhà. Đến nay, toàn huyện có hơn 260 hộ được cấp đất xây nhà, tuy nhiên thực tế mới chỉ có hơn 100 hộ xây được nhà và vào ở. Nhiều hộ mới xây được cái móng thậm chí nhận đất rồi để đấy do cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để xây nhà. Bà Ngô Thị Vân (dân chài xã Định Công) cho biết: Gia đình được địa phương cấp đất từ năm 2017 nhưng đến nay mới làm được cái móng, do vậy gia đình vẫn phải lênh đênh trên sông nước.

Trăm nỗi lo đổ lên các hộ dân chài khi lên bờ. Người không có tiền xây nhà, người được hỗ trợ xây nhà nhưng không biết bắt đầu cuộc sống thế nào. May mắn hơn những hộ khác, ngoài được cấp đất còn được hỗ trợ xây nhà, chị Ngô Thị Thủy (Định Công) cho biết, sau khi lên bờ chị không thể đi làm các công việc khác, cuộc sống rất khó khăn, nên đêm đêm chị vẫn phải quay về với sông nước mong kiếm được ít tiền nuôi con ăn học. Cũng như chị Thủy, anh Nguyễn Văn Tĩnh (Định Hải) mặc dù đã lên bờ an cư gần 10 năm nhưng đến nay anh vẫn lênh đênh trên sông nước, nay đi đánh cá, mai đi theo tàu hút cát. Anh Tĩnh chia sẻ: Không biết chữ, mà tuổi đã ngoài 50 học gì cũng khó, không thể quen với những công việc trên cạn nên tôi đành quay lại với sông nước. Nhưng may mắn là gia đình tôi đã có ngôi nhà kiên cố để cho bố mẹ già và con cái có cuộc sống bình yên.

Trước thực trạng trên, thời gian qua huyện Yên Định cùng với việc quy hoạch khi tái định cư cho các hộ dân thuyền chài, huyện đã phối hợp với các địa phương kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện xây dựng hạ tầng. Đến nay, có khoảng 50% người dân chài được bố trí định cư trên bờ. Cùng với đó, các địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như cấp gạo, hỗ trợ tiền học phí cho con em dân chài khi đi học. Hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho thanh niên dân chài đang trong độ tuổi lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho dân chài khi lên bờ. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục động viên, hỗ trợ, kêu gọi cộng đồng chung tay, giúp đỡ tất cả số hộ thuyền chài còn lại được lên bờ định cư.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khao-khat-an-cu-lac-nghiep/106549.htm