Khảo cổ học hướng đến phục vụ trực tiếp đời sống cộng đồng

Ngày 23-9, tại TP Huế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế phối hợp tổ chức khai mạc Đại hội (ĐH) Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương lần thứ 21.

Ngày 23-9, tại TP Huế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế phối hợp tổ chức khai mạc Đại hội (ĐH) Hội tiền sử Ấn Độ- Thái Bình Dương lần thứ 21. ĐH kéo dài từ ngày 23 đến 28-9 với sự tham dự của hơn 700 nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học từ 53 quốc gia trên thế giới.

Các nhà khảo cổ quốc tế chia sẻ, trao đổi bên lề ĐH.

Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) là cơ quan cao nhất về di sản khảo cổ và khảo cổ học (KCH) của khu vực. IPPA tổ chức hội nghị quốc tế 4 năm một lần. Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên vinh dự được IPPA chọn tổ chức ĐH tại Hà Nội và đến nay, sự kiện này lại được chọn tổ chức ở TT-Huế. GS.TS. Ian Lilley, Tổng Thư ký IPPA nhấn mạnh, đó là điều rất hiếm có đối với nhiều quốc gia khác. Mỗi kỳ ĐH, IPPA được xem là hoạt động lớn nhất trên thế giới dành riêng cho KCH ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đồng thời, là diễn đàn khoa học lớn nhất và quan trọng nhất của giới KCH trên toàn thế giới.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Văn Đức- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, đây là một trong những sự kiện khoa học lớn và quan trọng nhất của giới KCH thế giới, là cơ hội để các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu của mình cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới. Ngoài những vấn đề KCH truyền thống, ĐH lần này có sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ với các báo cáo hết sức cụ thể, kết quả của những nghiên cứu từ các phòng thí nghiệm như thức ăn trong khảo cổ, tôn giáo, nguyên thủy, các vấn đề về AND cổ, ứng dụng viễn thám... "KCH ngày nay không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu cơ bản mà ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội khác, hướng đến phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng. Di sản văn hóa, cả trên mặt đất, trong lòng đất và dưới nước đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà còn trong sự liên kết xã hội, liên kết hòa bình. Trong đó, vai trò của các nhà khảo cổ là rất quan trọng"- GS.TS Phạm Văn Đức nhìn nhận.

Phát biểu tại khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế- ông Nguyễn Dung cho rằng, ĐH IPPA là dịp để các nhà khoa học trên thế giới hiểu biết hơn về cố đô Huế- vùng đất với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), triều Nguyễn đã để lại cho người Việt những di sản văn hóa lịch sử khổng lồ và hết sức đa dạng. Và Huế, với tư cách là kinh đô của triều đại đã được thừa hưởng rất nhiều từ các di sản vô giá này. Với hơn 500 báo cáo của đại biểu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, ĐH sẽ được chia thành những tiểu ban khác nhau. Đặc biệt, ĐH có nhiều tiểu ban chuyên về vấn đề KCH của từng quốc gia như: Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam... Nhiều vấn đề mới về KCH được đề cập tại ĐH như: phân tán giải phẫu người tinh khôn hiện đại ở Đông Nam Á và Sahul trong bối cảnh mô hình 2 lớp; Việc sử dụng KCH lịch sử thời kỳ tiền sử của Đông Nam Á; Những đóng góp của TS IAN C. GLOVER đối với KC Đông Nam Á, cụ thể tại Việt Nam, ông đã khai quật khu Trà Kiệu- thủ đô cũ của Chămpa; Trống Đồng di sản văn hóa đương đại Đông Nam Á; Câu chuyện về các cuộc phiêu lưu ẩm thực từ lý thuyết thực hành; Thay đổi các mô hình Cổ Nhân Chủng học ở Châu Á; Lịch sử ngành KCH ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: bài học từ quá khứ; Tình trạng mất rừng & chuyển rừng thành nông trang; Con người và biển: nghiên cứu gần đây về những sự tương tác hàng hải giữa Đông Nam Á và thế giới....

2 rìu tay ở thời đại Đá cũ được phát hiện ở TX An Khê, Gia Lai.

Trong thời gian diễn ra ĐH IPPA, PGS.TS Nguyễn Giang Hải- Giám đốc Viện KCH có bài trao đổi về "Những nghiên cứu gần đây của KCH Việt Nam" và TS. Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có bài tham luận nêu về "Di sản văn hóa Huế và công tác bảo tồn". Theo TS. Phan Thanh Hải, nếu như bài trao đổi của PGS. TS. Nguyễn Giang Hải là đóng góp của KCH Việt Nam với KCH khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và thế giới, thì phần trình bày của ông là cơ hội quan trọng để quảng bá di sản văn hóa Huế ra khắp thế giới, thông qua các nhà nghiên cứu về KCH.

HẢI LAN

* PGS.TS Nguyễn Giang Hải cho biết, sau khi ĐH lần thứ 21 của IPPA kết thúc, trong 2 ngày 29 và 30-9, tại TP Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Viện KCH tiếp tục phối hợp tổ chức hội nghị thông báo KCH toàn quốc lần thứ 53. Đây là dịp sinh hoạt thường niên đông đủ nhất của giới KCH Việt Nam, nhằm công bố những phát hiện mới nhất về KCH trong một năm. Dự kiến có hơn 350 nhà KCH Việt Nam và quốc tế tham dự sự kiện này. Theo PGS. TS. Nguyễn Giang Hải, tại hội nghị lần này sẽ công bố về sơ kỳ thời Đá cũ An Khê, một phát hiện có tiếng vang lớn và là niềm tự hào của KCH Việt Nam. "Có thể nói, việc tìm thấy các di tích sơ kỳ Đá cũ ở TX An Khê (Gia Lai) là phát hiện được cả thế giới trông mong. Việc này thực sự đã nâng tầm KCH Việt Nam lên một vị thế vô cùng quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Hơn 50 năm trước, có một phát hiện tương tự ở vùng Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), đem lại niềm tự hào rất lớn cho các nhà KCH Trung Quốc. Không một quốc gia nào ở châu Á phát hiện ra di tích thời đại này cho đến khi Việt Nam tìm thấy dấu vết ở An Khê"- PGS. TS. Nguyễn Giang Hải nói. Kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê có niên đại cách ngày nay từ 700.000 đến 900.000 năm. Phát hiện này đã cung cấp nhiều tư liệu mới, làm thay đổi một số nhận thức về lịch sử văn hóa giai đoạn cổ xưa nhất của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Các cuộc khai quật này do cán bộ Viện KCH cùng Sở VH- TT & DL tỉnh Gia Lai và Viện KCH- Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga phối hợp thực hiện trong các năm 2015-2016.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_195708_.aspx