Khánh thành nút giao An Sương, cửa ngõ Tây Bắc rộng mở

Sau 18 năm, nút giao thông An Sương chính thức hoàn tất mọi hạng mục, trở thành điểm nối thông suốt, quan trọng tại cửa ngõ Tây Bắc TP.

Hôm nay (19-9), TP sẽ tổ chức lễ khánh thành hầm chui An Sương, hạng mục cuối cùng của nút giao thông quan trọng An Sương ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM.

Đây từng là điểm đen về tai nạn và ùn tắc giao thông trong khu vực. Việc thi công và đưa vào vận hành nút giao An Sương sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thông suốt giao thông trên tuyến đường huyết mạch vào TP.

Hoàn thành sau nhiều lần trễ hẹn

Nhiều năm nay, nút giao An Sương thường xuyên tắc nghẽn do lượng phương tiện lưu thông quá lớn. Giờ cao điểm, lượng lớn xe từ hướng quốc lộ (QL) 22 về đường Trường Chinh đã xung đột với các xe di chuyển theo hướng ngược lại và QL1.

Nhánh hầm N1 của hầm chui An Sương đã thông xe năm 2018. TP xác định việc cấp bách là phải sớm hoàn thiện nhánh N2, đưa nút giao An Sương thành nút giao thông ba tầng, chấm dứt các luồng xung đột vốn có.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, công trình này thường xuyên lỡ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng. Thậm chí năm 2018, nhánh N2 đã có thời gian phải tạm ngưng thi công gần một năm chỉ để chờ mặt bằng từ quận, huyện.

Từ tháng 10-2019, khó khăn về giải phóng mặt bằng mới cơ bản được giải quyết. Lúc này, chủ đầu tư mới bắt đầu di dời hạ tầng kỹ thuật, mở rộng đường tạm và thi công các đốt hầm còn lại.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết năm nay dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không ít đến tiến độ thi công.

Ngoài ra, do là điểm có lưu lượng lưu thông lớn nên đơn vị vừa phải thi công vừa phải đảm bảo giao thông cho người dân. Tất cả khó khăn đã được chủ đầu tư, UBND quận, huyện, sở, ngành cố gắng khắc phục từng ngày. Hôm nay, hầm chui An Sương là mảnh ghép cuối cùng, hoàn chỉnh hệ thống nút giao thông ba tầng, xóa đi cảnh xung đột giao thông kéo dài nhiều năm tại đây.

Nút giao mới có tầng hầm gồm hai đường hầm cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua QL22 và ngược lại. Tầng trên mặt đất gồm nút giao với đảo tròn trung tâm, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, đèn tín hiệu. Tầng trên cùng là cầu vượt cho xe lưu thông theo hướng QL1.

Ông Hoàng Văn Hùng, một người dân quận 12, vui vẻ nói: “Bao nhiêu năm nay người dân Hóc Môn, quận 12, Củ Chi mong ngóng dự án hầm chui An Sương hoàn thành để đi lại thuận tiện hơn. Sau bao ngày chờ đợi, nay giao thông ở đây đã ổn định hơn rất nhiều”.

Việc thi công và đưa vào vận hành nút giao An Sương sẽ góp phần thông suốt giao thông trên tuyến đường huyết mạch vào TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc thi công và đưa vào vận hành nút giao An Sương sẽ góp phần thông suốt giao thông trên tuyến đường huyết mạch vào TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nỗ lực thi công và sự đóng góp của người dân

Theo ông Lương Minh Phúc, dự án xây dựng nút giao thông An Sương có hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là hạng mục cầu vượt trên QL1 do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư đã hoàn thành vào tháng 7-2002.

8 giờ sáng 19-9, lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở GTVT, UBND quận 12 và Hóc Môn sẽ tham dự lễ khánh thành hầm chui An Sương, hạng mục cuối cùng trong dự án nút giao An Sương. Dự án có tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng, nối đường Trường Chinh và QL22 (xuyên Á). Trước đó, việc thông xe qua hầm N2 đã được thực hiện từ tháng 7-2020.

Tiếp theo, giai đoạn 2 được triển khai thông qua dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương do Ban Giao thông làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án bao gồm xây dựng hầm chui đôi, mỗi hầm rộng 9 m (đáp ứng hai làn xe), tổng chiều dài hai hầm là 830 m.

Bên cạnh đó, dự án đã mở rộng phần đường phía xã Bà Điểm, lắp đặt bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh, mảng xanh, biển báo giao thông... hoàn chỉnh khu vực nút giao.

Dự án hầm chui An Sương được khởi công vào tháng 1-2017. Đến nay, toàn bộ công trình đã được hoàn thành, đạt chất lượng yêu cầu và được Sở GTVT thống nhất phương án tổ chức giao thông, đưa toàn bộ công trình vào khai thác phục vụ người dân.

Ông Phúc chia sẻ công trình nút giao thông An Sương là kết quả từ sự nỗ lực cao của tập thể Ban Giao thông, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công. Song song đó, ban cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, sở, ngành và địa phương.

Dự án có 41 trường hợp bị ảnh hưởng. Để hoàn thành công trình, đơn vị đã nhận được sự chung tay của tất cả người dân, những người sẵn sàng vì lợi ích chung rời nơi ở cũ để bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công dự án.

An Sương là nút giao thông vùng đô thị

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định nút giao thông An Sương là nút giao thông chính của vùng đô thị. Sở dĩ gọi như vậy bởi nó không chỉ mang ý nghĩa kết nối giao thông cho TP mà còn mang tính chất liên kết giữa các vùng.

Cụ thể, nút giao An Sương phân ra làm hai trục. Trong đó trục đường trên QL1 tạo ra tuyến đường vành đai kết nối từ miền Đông sang miền Tây. Cạnh đó, trục đường QL22 sẽ nối TP.HCM qua Tây Ninh, Campuchia và khu vực Nam Tây Nguyên.

Do đó, khu vực nút giao An Sương có vị trí vô cùng quan trọng đối với TP và các vùng phụ cận, cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông tại thời điểm này.

Tuy nhiên, TS Võ Kim Cương cho rằng nút giao thông An Sương chỉ có thể giải quyết ùn tắc trong thời điểm trước mắt. Nếu TP có ngân sách, đất đai thì có thể xây dựng nút giao thông hoa thị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Đô thị phía Tây Bắc đang phát triển rất nhanh và mạnh. Để tiếp tục phát triển liên vùng, TP cần tính toán mở thêm nhiều tuyến đường khác để chia sẻ áp lực giao thông với khu vực này.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/khanh-thanh-nut-giao-an-suong-cua-ngo-tay-bac-rong-mo-939252.html