Khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2

Ngày 11-1, tại cửa phía nam hầm Hải Vân thuộc địa phận quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2, hầm đường bộ có quy mô lớn nhất khu vực Đông-Nam Á. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Ngày 11-1, tại cửa phía nam hầm Hải Vân thuộc địa phận quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2, hầm đường bộ có quy mô lớn nhất khu vực Đông-Nam Á. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Công trình này cũng được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đèo Hải Vân trong quá khứ là cung đường đèo hiểm trở, thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ hoàn thành năm 2005, đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt.

Thời gian qua, lượng phương tiện tăng trưởng nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là nhu cầu cấp thiết. Tập đoàn Đèo Cả tiên phong đầu tư dự án BOT hầm Đèo Cả đã khẳng định sự tiến bộ, vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam.

“Công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, với công nghệ phức tạp trong thi công cầu đường có đóng góp rất lớn của các cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả. Đây là tin vui của ngành GTVT, món quà quý chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khẳng định Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị số 1 tại Việt Nam trong việc đầu tư, quản lý những dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó có những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Đèo Cả tại dự án hầm Đèo Cả.

Hạng mục hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông-Nam Á, được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện một loạt công trình hầm Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.

Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 vừa bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1.

Trước đây, thời gian hoàn thành hầm Hải Vân 1 sau 5 năm, còn thi công hầm Hải Vân 2, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về tài chính và yếu tố tự nhiên bất thuận, nhưng với nỗ lực cao độ của các bên, dự án đã về đích đúng hẹn chỉ sau bốn năm.

Hiện nay, dự án hầm qua Đèo Cả vẫn tồn tại những vướng mắc kéo dài cần được giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi dự án đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Đó là phần vốn ngân sách nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư (ước tính 486 tỷ đồng); việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng; việc hoàn thuế VAT gặp khó khăn vì cơ chế, phương án thực hiện chưa thống nhất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư 200 tỷ đồng; hướng tuyến cao tốc đoạn Bình Định - Phú Yên theo quy hoạch về phía tây hầm Cù Mông khiến việc đầu tư xây dựng cao tốc giai đoạn sau sẽ gây thêm lãng phí.

Nhận thức nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán rất cần thiết, tuy nhiên việc đưa dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh nhiều chi phí (điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hằng tháng,…) trong khi các vướng tài chính kéo dài vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua hai ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1-2 đến hết ngày 21-2-2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần trước đây.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, sau Tết Nguyên đán, đơn vị buộc phải đóng hầm Hải Vân 2, sẽ ảnh hưởng đến nhân dân khi các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Điều đó dẫn tới sự lãng phí tài sản lớn của doanh nghiệp và người dân chính là đối tượng chịu thiệt hại.

“Để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Quốc hội, Chính phủ; các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,... quan tâm xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của dự án”, ông Hoàng đề nghị.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/khanh-thanh-ham-duong-bo-hai-van-2-631395/