Khánh thành công trình nước sạch Mùn Chung: Hết rùng mình khi dùng nước sinh hoạt

'Khi uống ngụm nước đầu tiên trực tiếp từ vòi, trong niềm vui mừng, tôi không quên hình ảnh những con đỉa, con vắt bé ngọ nguậy trong nước sinh hoạt của thầy và trò nhiều năm trước', thầy Nguyễn Viết Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Mùn Chung, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, chia sẻ..

Dẫn chúng tôi cùng đoàn công tác dự Lễ Khánh thành và bàn giao công trình nước tại Trường THPT Mùn Chung đi thăm mạch nước đầu nguồn, nơi đặt thiết bị đưa nước về trường, thầy Trung cho biết: Trước đây, những tháng mùa khô, các thầy cô giáo và học sinh trường phải đi bộ trên con đường này, cách trường 500m để lấy từng can nước về sử dụng. Mùa khô, nước từ nguồn chảy ra ít, trong khi đập chưa được đắp nên vũng nước đầu nguồn không lớn. Nhiều hôm chúng tôi ra đúng lúc trâu đằm, đành đợi một lúc cho nước đỡ đục rồi mới lấy nước vào can mang về.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nước sạch tại Trường THPT Mùn Chung

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nước sạch tại Trường THPT Mùn Chung

“Sau đó, thầy và trò dùng sỏi, cát để lọc và sử dụng. Tuy nhiên, nhiều hôm khi múc nước đánh răng, tôi không khỏi rùng mình thấy con đỉa nhỏ ngoe nguẩy trong chậu nước. Bây giờ thì chuyện này chắc sẽ không bao giờ còn nữa. Từ khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng, thầy và trò không những được cung cấp nước sạch mà còn có điều kiện tăng gia được hơn 2 tấn rau, góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh và thầy cô giáo”, thầy Trung cho biết.

Trường THPT Mùn Chung có hơn 320 học sinh và gần 40 thầy, cô giáo. Trong đó có hơn 200 em và hầu hết giáo viên ở nội trú. Vào mùa khô từ tháng 11 tới hết tháng 6 năm sau, thầy và trò nơi đây phải đi bộ hơn 5km đường rừng núi để tìm nguồn nước dẫn về trường. Nguồn nước ít không đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Vì vậy, thầy cô và các em thường xuyên phải ra mạch nước cách trường gần 500m lấy nước không đạt tiêu chuẩn để sinh hoạt.

Đại diện Trường THPT Mùn Chung và Viện Hàn lâm KHCNVN ký kết bàn giao công trình

Trước thực trạng trên và theo tham mưu, đề xuất của Hội LHPN tỉnh Điện Biên, ngày 15/5/2017, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có Công văn số 231/ĐCT-GĐXB gửi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) đề nghị hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt cho Trường THPT Mùn Chung.

Sau đó, Viện Hàn lâm KHCNVN đã có quyết định phê duyệt đề tài Khảo sát, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho Trường THPPT Mùn Chung. Viện phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tuần Giáo và nhiều cơ quan, đoàn thể triển khai công trình trên.

GS.TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện KHCNVN, phát biểu tại buổi lễ

Ngày 19/11, Lễ Khánh thành và bàn giao công trình nước tại Trường THPT Mùn Chung đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên… tổ chức tại Trường THPT Mùn Chung. Tham dự Lễ khánh thành có GS.TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện KHCNVN; ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; bà Nguyễn Thị Thục Hạnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đình Công, công trình được đưa vào vận hành và cấp nước ổn định cho điểm trường với công suất 100m3/ngày đêm với chất lượng nước hợp vệ sinh. Không chỉ cung cấp nước sạch cho gần 400 thầy và trò trường THPT Mùn Chung, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt cho cụm trường tiểu học, mầm non, THCS Mùn Chung, cụm dân cư xung quanh với khoảng 2.500 người.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, bà Nguyễn Thị Thục Hạnh cho biết, nước sạch và vệ sinh môi trường sống có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai và chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều chương trình, cuộc vận động.

Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, mong muốn thời gian tới, sẽ có nhiều công trình tương tự được xây dựng và đưa vào sử dụng tại nhiều vùng khó khăn

Trong đó phải kể đến như Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, dự án thí điểm “Hỗ trợ phụ nữ nghèo xây nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng”, Dự án Cải thiện Vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả đầu ra do phụ nữ làm chủ thực hiện từ năm 2018 đến 2022. Dự kiến riêng dự án này sẽ giúp gần 30.000 hộ gia đình được tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh…

Cùng với các hoạt động trên, TƯ Hội LHPN Việt Nam, các cấp Hội trong cả nước còn thường xuyên vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, đoàn thể hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Việc TƯ Hội LHPN Việt Nam có công văn đề nghị Viện Hàn lâm KHCNVN hỗ trợ xây dưng công trình nước sạch cho trường THPT Mùn Chung là một ví dụ.

Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh mong muốn thời gian tới, sẽ có nhiều công trình tương tự được xây dựng và đưa vào sử dụng tại nhiều vùng khó khăn, đang thiếu nước sạch trong cả nước, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Đại diện Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm KHCNVN tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Nhân dịp này, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm KHCNVN tặng 20 triệu đồng cho 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Mùn Chung để làm kế sinh nhai; tặng 60 suất học bổng cùng quần áo, chăn cho học sinh Trường THPT nội trú Mùn Chung; Viện Công nghệ môi trường tặng 25 suất học bổng cho học sinh Trường THCS Mùn Chung.

Công trình cấp nước sạch cho trường THPT Mùn Chung trị giá gần 1 tỷ đồng, ứng dụng các công nghệ bơm VA do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chế tạo để dẫn nước về trường từ khoảng cách 500m với cao độ cột nước là 16m.

Hệ thống bơm điện được lắp đặt nhằm đảm bảo công suất nước dẫn về trường luôn luôn ổn định hoặc trong điều kiện bơm áp lực không hoạt động.

Đại diện Viện Hàn lâm KHCNVN giới thiệu 1 hạng mục công trình cấp nước sạch cho Trường THPT Mùn Chung

Để đảm bảo chất lượng vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nước sẽ được làm sạch qua hệ thống xử lý nước sinh hoạt công suất 100m3/ngày đêm. Sau khi được làm sạch, khử trùng, nước đảm bảo các tiêu chí liên quan đến độ đục, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước theo tiêu chuẩn 02-2009 của Bộ Y tế. Nguồn nước này có thể uống trực tiếp.

Theo PGS.TS Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KHCNVN), đây là công trình áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, xanh, sạch và rẻ tiền, có thể ứng dụng cho những quy mô nhỏ ở các làng, bản và những nơi có điều kiện khó khăn, góp phần giải quyết những vấn đề phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là các vấn đề phát triển kinh tế xã hội tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/khanh-thanh-cong-trinh-nuoc-sach-mun-chung-het-rung-minh-khi-dung-nuoc-sinh-hoat-post51550.html