Khánh thành công trình đền thờ Ngã ba Đồng Lộc

VH- Sáng qua 15.7, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24.7.1968 – 24.7.2018) đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành công trình đền thờ Ngã ba Đồng Lộc.

Công trình đền thờ Ngã ba Đồng Lộc được khởi công xây dựng từ năm 2015, tọa lạc trên núi Mác (bên cạnh tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc), do Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc phối hợp với Công ty TNHH MTV tôn tạo, phục chế công trình văn hóa Việt lập dự án đầu tư gồm 14 hạng mục, với tổng mức đầu tư là 35,6 tỉ đồng bằng nguồn xã hội hóa.

Sau hơn 3 năm gấp rút thi công, đến nay công trình đã chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình gồm: Đền chính với diện tích xây dựng 370m2, gồm Tiền tế và Hậu cung; 115 bậc cấp lên đền thờ làm bằng đá xanh nguyên khối đục nhám mặt; tổng thể nội thất, đồ thờ; nhà hậu, nghi môn, am hóa vàng, sân đền, lan can, bình phong, cổng phụ, công trình vệ sinh, hệ thống bồn hoa cây xanh, hệ thống điện cấp thoát nước… Trước đó, vào ngày 14.7, công trình Cột biểu tượng ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc đã hoàn thành sau 2 tháng thi công với số tiền 4,4 tỉ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đoàn HSSV của 30 quốc gia dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc

Cùng ngày, đoàn học sinh, sinh viên (HSSV) gồm 120 em đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến thắp hương, dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Các HSSV đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia “Trại hè Việt Nam năm 2018-15 năm nối vòng tay lớn”. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc kết nối, cổ vũ tinh thần đoàn kết gắn bó, tăng tính tương tác giữa các đại biểu Trại hè với nhau cũng như với các thế hệ trẻ người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Đến Ngã ba Đồng Lộc, các HSSV được xem chứng tích chiến tranh và nghe về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong đã ngã xuống ở mảnh đất Đồng Lộc. “Trại hè Việt Nam năm 2018-15 năm nối vòng tay lớn” là hành trình nối vòng tay lớn giúp các em trở về với cội nguồn, thêm gắn bó với quê hương qua các hoạt động: tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng, giao lưu thanh niên, trải nghiệm thực tế… Từ đó, giúp thế hệ trẻ kiều bào có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa nghìn năm văn hiến, lịch sử lâu đời và truyền thống yêu nước của dân tộc.

P.V

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/kh225nh-th224nh-c244ng-tr236nh-%C4%91%E1%BB%81n-th%E1%BB%9D-ng227-ba-%C4%91%E1%BB%93ng-l%E1%BB%99c