Khánh thành, bàn giao 02 công trình cầu đập tràn tại Hà Giang

Nhân dịp năm học mới 2020-2021, tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Quang và UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành 02 công trình đập tràn tại (suối 1) thôn Chu Thượng và thôn Khá Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang và tại thôn Yên Sơn, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Tham dự chương trình có Lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang cùng với đại diện các Sở, Ban, Ngành tỉnh Hà Giang, đại diện nhà tài trợ Grab Việt Nam, các em học sinh...

Lễ khánh thành 02 cầu đập tràn tại Hà Giang

Lễ khánh thành 02 cầu đập tràn tại Hà Giang

Đây là 02 công trình do Grab Việt Nam và người dùng Grab chung tay đóng góp với kinh phí 1,73 tỷ đồng và nằm trong dự án "Xây Cầu Đến Lớp" được ký kết thỏa thuận giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Grab Việt Nam. Dự án nhằm mục đích xây dựng những cây cầu dân sinh tại vùng miền núi, nông thôn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tham gia giao thông, phát triển kinh tế vùng miền và đặc biệt hơn là giúp học sinh đến trường thuận tiện, an toàn. Dự án cũng là một phần trong nỗ lực hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.

Theo thỏa thuận hợp tác, trong 3 năm Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Grab Việt Nam sẽ cùng triển khai dự án xây dựng cầu giao thông (cầu cứng và cầu liên hợp đập tràn) tại một số địa phương, có điều kiện đi lại khó khăn…

Trước đó, ngày 04/05/2020, 02 công trình cầu đập tràn tại tỉnh Hà Giang được khởi công tại (suối 1) thôn Chu Thượng và thôn Khá Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang và tại thôn Yên Sơn, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Tổng kinh phí xây dựng 02 công trình này trị giá 1,73 tỷ đồng do Grab Việt Nam cùng cộng đồng chung tay đóng góp, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Sau khoảng 5 tháng thi công, 02 công trình cầu đập tràn đã được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng giúp học sinh, người dân đa phần là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của miền núi phía bắc đi lại thuận tiện, an toàn hơn.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khanh-thanh-ban-giao-02-cong-trinh-cau-dap-tran-tai-ha-giang-20201001085210784.htm