Khánh Hòa: Thêm một vụ mía nhiều trăn trở

Mặc dù, Dự án Cánh đồng lớn tại vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa do Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh quyết định phê duyệt ngày 31/5/2017 mở ra nhiều hứa hẹn, song bước vào niên vụ 2018-2019, người nông dân trồng mía ở Khánh Hòa vẫn còn nhiều trăn trở.

Nỗi buồn người trồng mía

Ông Võ Đạt - nông dân trồng mía ở Khánh Vĩnh trên 15 năm - chia sẻ, năm nay, do thời tiết nắng hạn kéo dài, mưa muộn, nên cây mía xấu, còi cọc, chậm phát triển. Năm nay chữ đường thấp, giá thấp, nhiều người mất trắng, thâm hụt cả chục triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Tiến ở Cam Ranh cũng cho biết: “Ký hợp đồng 700 tấn với công ty, nhưng năm nay mía thất thu, tôi đang thu hoạch, nhưng e rằng chỉ đạt hơn một nửa sản lượng đăng ký. Nếu đủ sản lượng ký hợp đồng, chúng tôi mới được trợ giá…”.

Thời tiết bất lợi khiến cây mía chậm phát triển, không tích đường

Thời tiết bất lợi khiến cây mía chậm phát triển, không tích đường

Theo ông Thái Tiến Dũng - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, vụ mía 2018-2019, công ty hỗ trợ đầu vụ 20.000 đồng/tấn và có bảo hiểm 8 chữ đường cho người nông dân. Tuy nhiên, do sản lượng đạt quá thấp, nên người nông dân khó tránh tổn thất nhất định. Giá thu mua năm nay 695.000 đồng/tấn/10CCS tại ruộng, vận chuyển công ty sẽ chịu trách nhiệm. Nếu so với giá năm ngoái 800.000 đồng/tấn/10CCS, người nông dân đã thất thu khoảng 1/3. Trong khi giá mía hạ, giá vật tư và công lao động lại tăng, đó là chưa nói đến sản lượng thấp, chữ đường thấp…

Theo ông Đinh Công Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Khánh Hòa - ngoài thời tiết năm nay có nhiều biến động bất lợi cho cây mía, làm chậm phát triển, không tích đường, trên thực tế, nhiều vùng trồng mía lâu năm của bà con nông dân là vùng đất khai hoang, khô cằn, xa nguồn nước nên khi nắng hạn kéo dài, dù kéo được nước tưới thì chi phí cũng quá cao.

Chuyển đổi cây trồng

Dự án Cánh đồng lớn được thực hiện tại 2 địa điểm là vùng mía Công ty Bò giống miền Trung, xã Ninh Tây và vùng mía Suối Mơ, xã Ninh Thượng. Tổng diện tích dự án là trên 272ha, trong đó phần lớn tập trung ở xã Ninh Tây (194ha). Tại vùng mía Ninh Tây có 29 hộ, vùng Ninh Thượng có 16 hộ tham gia dự án. Dự án thực hiện quy hoạch, san ủi, cải tạo đồng ruộng, đưa gần 300 thửa hiện nay xuống còn 64 thửa, mỗi thửa có diện tích tối thiểu 3ha. Mở mới và nâng cấp 30 tuyến đường tổng chiều dài hơn 11km, xây dựng trên 600m kênh nội đồng, 7km đường ống dẫn nước, 11 ao hồ tích trữ nước và hệ thống tưới béc phun trên toàn diện tích… Tổng mức đầu tư của dự án trên 24,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, niên vụ 2018-2019, người nông dân trồng mía ở Khánh Hòa vẫn đang đối mặt với một vụ mùa thất bát.

Ngày 10/1/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã chính thức có văn bản đồng ý “chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất mía kém hiệu quả”. Theo đó, diện tích đất bằng, đủ nước, nhưng cây mía vẫn kém hiệu quả thì đưa quy trình trồng mía thâm canh cao, sử dụng đồng bộ cơ giới hóa để nâng cao năng suất, hoặc chuyển đổi đầu tư nông sản, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là hướng đi khả quan cho người trồng mía ở Khánh Hòa. Một số người dân đã chuyển sang trồng bưởi da xanh, bước đầu đã cho thu hoạch và có hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khanh-hoa-them-mot-vu-mia-nhieu-tran-tro-116676.html