Khánh Hòa: Giao khoán trái quy định, làm nhà trái phép trong rừng phòng hộ

Ông Trương Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết: 'Trước tình trạng rừng Căm Xe bị tàn phá tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra đã phát hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa giao khoán rừng phòng hộ Căm Xe cho hộ dân Nguyễn Thành Công Tuấn quản lý là trái quy định. BQLRPH Ninh Hòa còn cho hộ dân trên xây trái phép nhà ở, làm trang trại dê trên đất rừng.

Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ trong rừng phòng hộ Căm Xe. Ảnh: XH

Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ trong rừng phòng hộ Căm Xe. Ảnh: XH

Ông Thu cho biết cụ thể: “Ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa đã ký Hợp đồng số 36/HĐGR ngày 21/3/2017 giao khoán cho hộ gia đình ông Nguyễn Thành Công Tuấn, có hộ khẩu tại TP Cam Ranh và hiện đang tạm trú tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, quản lý hơn 200ha rừng phòng hộ Căm Xe, thời hạn là 5 năm”.

Theo đó, ông Tuấn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 200ha rừng phòng hộ Căm Xe. Ông Tuấn được chăn thả, nuôi dê trên diện tích rừng đã được giao khoán.

Theo ông Thu, việc BQLRPH Ninh Hòa cho hộ gia đình ông Tuấn được nhận khoán bảo vệ rừng diện tích lớn như vậy và thời hạn dài như thế là trái với quy định cho phép. Cụ thể, tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về việc giao khoán rừng quy định rõ, hộ gia đình chỉ nhận giao khoán bảo vệ rừng diện tích tối đa là 30ha, thời hạn hợp đồng giao khoán là từng năm một. Ngày 7/4/2017, BQLRPH Ninh Hòa còn có văn bản cho phép ông Tuấn được xây nhà cho nhân viên nuôi dê ở trong rừng phòng hộ Căm Xe, diện tích là 30m2, và làm trang trại dê trên đất rừng Căm Xe có diện tích 200m2. “Thẩm quyền của BQLRPH quá to, điều này ngay cả chủ tịch tỉnh cũng chưa có quyền”, ông Thu khẳng định.

Ngôi nhà và trang trại dê được xây dựng trong rừng phòng hộ Căm Xe. Ảnh: XH

Chi cục mới nhận được báo cáo từ Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, trong đó có nhiều vấn đề. Riêng trách nhiệm của BQLRPH Ninh Hòa, chi cục tiếp tục làm rõ, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý. Cụ thể thế nào sẽ có văn bản gửi kèm theo. Đồng thời ông Thu quả quyết: “Đối với trách nhiệm của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Công Tuấn, nhận khoán rừng mà để rừng bị cưa, phá, diện tích rừng bị lấn chiếm thì trách nhiệm người nhận khoán rừng thế nào, chúng tôi đang cho làm rõ chuyện đó, không phải cứ nhận rừng rồi thích làm gì thì làm”.

Về rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá, ông phó chi cục kiểm lâm cũng thừa nhận việc phối hợp bảo vệ rừng của BQLRPH Ninh Hòa “có vấn đề”. Ngoài ra ông lý giải, khi phát hiện rừng Căm Xe bị phá nhưng chủ rừng không đủ sức giải quyết thì chủ rừng phải báo Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương (UBND xã Ninh Tây) phối hợp xử lý. Tuy nhiên, rừng Căm Xe đã bị phá từ năm 2012 và kéo dài tới nay, nhưng việc phối hợp thì vẫn chưa thực hiện.

Được biết, bên cạnh những sai phạm và những vấn đề liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng chưa làm được, thì việc quản lý, bảo vệ rừng Căm Xe là vô cùng khó khăn. Gần đây, nhận thấy gỗ rừng Căm Xe có giá trị nên người dân kéo nhau đi chặt cây để bán, việc phá rừng ở Ninh Tây ngày càng phức tạp. Công tác bảo vệ rừng ngày càng khó khăn hơn. Rừng Căm Xe vừa qua một phần bị phá là do bão 12, một phần do lâm tặc, khai thác rừng trái phép. “Vấn đề phá rừng Căm Xe, báo chí đã phản ánh rất nhiều, chúng tôi cũng đã và đang kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, cái khó ở đây là tìm ra giải pháp để bảo vệ rừng Căm Xe, đó là điều chúng tôi cần và chúng tôi trăn trở”, ông Thu phân trần.

Rừng phòng hộ Căm Xe bị tàn phá. Ảnh: XH

Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Công Hà, Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa (đơn vị chủ rừng) lại khẳng định: “Đơn vị đã giao khoán cho ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây 200ha rừng phòng hộ Căm Xe, ông Tịnh được làm nhà ở trong rừng, làm trang trại nuôi dê trong rừng và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 200ha rừng nói trên”.

Nói như ông Nguyễn Công Hà thì ngôi nhà xây trong rừng phòng hộ Căm Xe và toàn bộ trang trại dê xây dựng trong rừng là của ông Sử Hồng Quốc Tịnh, phó chủ tịch xã chứ không phải của Nguyễn Thành Công Tuấn. Vậy, Hợp đồng số 36/HĐGR ngày 21/3/2017 do ông Hà ký giao khoán cho hộ gia đình ông Nguyễn Thành Công Tuấn là “hợp đồng giả”? Một vụ việc nghiêm trọng như vậy mà lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa nói “một đằng”, còn Giám đốc BQLRPH Ninh Hòa lại nói “một nẻo”, chứa đựng quá nhiều uẩn khúc… và bất hợp lý.

Báo Thanh tra sẽ thông tin tiếp về vụ việc này.

Xuân Hướng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/khanh-hoa-giao-khoan-trai-quy-dinh-lam-nha-trai-phep-trong-rung-phong-ho_t114c39n138465