Khánh Hòa: BOT Ninh An nhượng bộ tối đa

'Đừng vòng vo, cố kéo dài thêm nữa' - đó là yêu cầu của các tài xế, doanh nghiệp vận tải tại buổi đối thoại nảy lửa vào ngày 4.1 đã buộc Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả phải giảm phí 100% cho xe loại 1 ở 16 xã thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhiều tài xế, chủ DN vận tải đã nở nụ cười sau 11 lần xả trạm và hơn 300 đơn thư gửi 'ông chủ' BOT Ninh An.

Từ tháng 12.2017 đến nay, BOT Ninh An đã 11 lần xả trạm. Ảnh: Nhiệt Băng

Hạ nhiệt

Từ tháng 12.2017 đến nay là chuỗi ngày mỏi mệt của cánh tài xế, DN phản ứng trạm BOT Ninh An. Điệp khúc đóng - xả tại trạm, ngay đến cả người xem cũng nhàm chán, nhức đầu. Nói như tài xế Võ Thế Đạt (trú phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) thì lẽ ra, bức xúc này phải được giải quyết lâu rồi, chứ không phải để đến hôm nay. Hay 1 tài xế khác thẳng thắn tại buổi đối thoại, rằng: "Nếu chúng tôi không phản ánh mạnh mẽ để đòi lại quyền lợi thì sẽ không có buổi đối thoại hôm nay".

Sau 11 lần xả trạm và hơn 300 đơn thư gửi đến, ông Trần Phúc Tự - TGĐ Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả (chủ đầu tư BOT Ninh An) - buộc lòng phải chấp thuận miễn giảm 100% đối với xe loại 1 của 16 xã trên địa bàn thị xã và hoàn lại tiền vé tháng mà các chủ phương tiện đã đóng trong vòng bán kính 10km. Việc này sẽ được áp dụng vào hôm nay (5.1), và đây là thỏa thuận trước giữa chủ đầu tư và tài xế, DN để "hạ nhiệt" bức xúc. 2/3 tài xế có mặt tại buổi đối thoại đã vỗ tay và chạy ngay ra sân nhà điều hành trạm BOT Ninh An thực hiện kê khai tên tuổi, nơi cư trú cho chủ đầu tư để hưởng mức miễn. Bên cạnh đó, các xe loại 2, 3, 4 ở thị xã Ninh Hòa sẽ được Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả báo cáo Bộ GTVT cho phép miễn giảm 50% phí qua trạm. Việc này, đến tháng 2.2018, Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả mới có trả lời chính thức.

"Muốn sòng phẳng..."

Ông Trần Phúc Tự thông tin, dự án có tổng số vốn hơn 2.600 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 21 năm 6 tháng. "Đó là số liệu chính thức của dự án, còn hiện Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán dự án, nên con số chính thức cuối cùng vẫn chưa được công bố" - ông Tự nói. Tuy vậy, mỗi ngày, trạm thu phí tổng cộng bao nhiêu thì ông không trả lời được. “Mỗi ngày thu chúng tôi đều đóng thành quyển, có biển số xe, loại xe cho Bộ GTVT” - ông Tự nói. Ông cho biết, việc di dời trạm từ xã Ninh An về xã Ninh Lộc không phải “tận thu” cả quốc lộ 26 (đi Đắk Lắk), hay người dân vùng lân cận. Việc đặt trạm BOT Ninh An tại xã Ninh Lộc nhưng vẫn giữ nguyên tên trạm là do hiểu nhầm. Trước đây, trạm này thu cho Hầm đường bộ Đèo Cả (nối Phú Yên - Khánh Hòa), sau đó, để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km thu cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 nên Bộ GTVT thống nhất dời về xã Ninh Lộc.

PV Lao Động đã tiếp cận được một số đơn thư đề đạt nguyện vọng của người dân về trạm BOT Ninh An. Đơn cử như chị N.T.K.H (trú xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa): "Nhà tôi có 1 xe đông lạnh 8 tấn. Nhà tôi chỉ cách trạm 1km mà lần nào đi cũng phải trả 70 nghìn đồng cho trạm. Tôi đề nghị xem xét giảm phí cho tôi. Hay đơn của 1 giáo viên tên T.P.T (trú tổ dân phố 1, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa): "Tôi thường sử dụng ô tô 4 chỗ đi học ở Nha Trang. Tôi mong được giảm phí vì khoảng cách đi lại ngắn nhưng phải trả phí". Ông Vũ Hải Long - Phó TGĐ Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả - cho biết, ngoài những người dân có đơn, đề nghị chủ đầu tư giải quyết, thì các người dân không có đơn cũng sẽ được xem xét nếu đúng chủ trương. "Nếu bây giờ chỉ giải quyết đối với các người dân có đơn, sau này sẽ xảy ra việc các hộ dân khác khiếu kiện, rất mất thời gian" - ông Long nói.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/khanh-hoa-bot-ninh-an-nhuong-bo-toi-da-584816.ldo