Khánh đá tại Bảo tàng Bắc Ninh

Trong khuôn viên trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Bắc Ninh hiện đặt một chiếc khánh đá khá lớn có niên đại tạo tác vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chiếc khánh đá này thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập cổ vật Dương Minh Chính ở phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh.

Mặt trước và sau của chiếc khánh đá trưng bày tại Bảo tàng Bắc Ninh.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền tác giả cuốn sách “Đồ thờ trong di tích của người Việt” do Nhà xuất bản Văn hóa thông tin phát hành vào năm 2003 cho biết: “...Khánh là một trong các món pháp khí của Phật giáo, dùng vào cả ngày lẫn đêm ở các tùng lâm, tu viện, Phật học viện... cả xưa lẫn nay chúng còn thường được dùng làm hiệu lệnh báo tin giờ tu học, tụng kinh, thọ trai, chấp tác... cho chúng tăng”. Khánh xuất hiện tại các công trình tín ngưỡng thờ tự Phật giáo từ rất lâu đời. Tuy vậy chiếc khánh có niên đại sớm nhất ở nước ta hiện nay được chế tác vào thời Lê Trung Hưng (nửa cuối thế kỷ XVII). Khánh thường được tạo tác phổ biến từ các loại vật liệu chủ yếu như đá, đồng và gỗ. Chiếc khánh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được làm từ đá xanh nguyên khối, hình bán nguyệt, hiện đã bị vỡ mất phần đầu hai bên. Chiều dài còn lại của chiếc khánh là: 151cm, điểm chính giữa khánh rộng: 60cm, dầy: 10,5cm, diềm bo nổi xung quanh khánh rộng 3cm, cao 0,7cm, bên trong lòng khánh hai mặt đều trang trí chạm nổi hoa văn dây leo tay mướp, chính giữa có lỗ treo khánh hình tròn, đường kính rộng 7cm. Phần đầu phía bên phải hiện vẫn còn dấu vết của núm thỉnh khánh hình tròn nhô cao lên so với bề mặt xung quanh. Trên thân khánh mặt phía trước khắc dòng lạc khoản bằng chữ Hán hiện đã bị mờ, nội dung chính cho biết như sau: “Hoàng triều Tự Đức Canh Ngọ niên, Đinh Dậu nguyệt, cốc nhật”. Tạm dịch là: “Khánh được tạo tác vào ngày tốt, tháng Đinh Dậu (tức tháng 8), năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức 23 (1870)”. Khánh được treo trên giá hình chữ nhật, làm bằng gỗ lim.

Hiện nay ở Bắc Ninh, loại hình khánh đá cổ còn tồn tại với số lượng khá khiêm tốn(1), ngoài chiếc khánh đá có niên đại cổ nhất hiện ở chùa Tam Sơn (xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn) tạo tác vào đời vua Lê Gia Tông niên hiệu Dương Đức nguyên niên (1672), bề mặt khánh trang trí hoa dây, linh thú và đao mác, lòng khánh chạm phượng ở hai góc, đuôi ấp mặt trời mặt trăng mang nhiều ý nghĩa linh thiêng, còn lại các chiếc khánh đá khác đều tạo tác vào triều Nguyễn (thế kỷ XIX) được lưu giữ tại các di tích nằm rải rác trên địa bàn các huyện, thị, thành phố tiêu biểu như: khánh đá chùa Khúc Toại (phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh), chùa Ngọc Xuyên (xã Đại Bái, huyện Gia Bình), đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), đình, chùa làng Cổng (xã Đào Viên, huyện Quế Võ)...
Chiếc khánh đá của nhà sưu tập cổ vật Dương Minh Chính là hiện vật quan trọng giúp công chúng khách tham quan cũng như các nhà khoa học tới Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc các loại hình nhạc khí thờ tự bằng đá có niên đại tạo tác dưới thời Nguyễn hiện còn tồn tại trên vùng đất cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng cũng như các địa phương khác trên cả nước nói chung.
Chú thích:
(1): Theo thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn 10 chiếc khánh đá.

Nguyễn Văn An, Bảo tàng Bắc Ninh

Nguyễn Văn An, Bảo tàng Bắc Ninh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khanh-da-tai-bao-tang-bac-ninh-78883