Kháng nghị bản án tuyên Vinasun thắng kiện Grab

VKS Cấp cao kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa ra quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKS TP.HCM trong vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Theo đó, VKS Cấp cao đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Đại diện phía Vinasun tại tòa. Ảnh: Lê Quân.

Trong quyết định bổ sung quyết định kháng nghị, VKS Cấp cao nhận thấy theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.

Trên cơ sở tài liệu vụ án và kết quả tranh tụng tại tòa, có đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép dựa theo Đề án 24 của Bộ GTVT; hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật. Bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86 là không có cơ sở.

Đồng thời, VKS Cấp cao tại TP.HCM chỉ ra việc Vinasun yêu cầu bồi thường 41,2 tỷ vì do hoạt động của Grab gây nên, Tòa sơ thẩm căn cứ vào giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long xác định khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Thực chất, việc sụt giảm doanh thu, theo VKS Cấp cao, liên quan rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải khác, sự thay đổi nhu cầu của hành khách… Tất cả những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định. Do đó, việc Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.

VKS Cấp cao cũng bổ sung căn cứ kháng nghị, cho rằng doanh thu sụt giảm của Vinsun (nếu có) có phần do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác. Việc các tài xế Grab bị xử phạt cũng như những hạn chế của doanh nghiệp này khi hoạt động tại Việt Nam (nếu có) không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. Vì vậy, VKS Cấp cao nhận định không thể bắt Grab phải bồi thường cho Vinasun.

Từ những phân tích này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận thấy bản án của Tòa sơ thẩm nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.

Đại diện Grab tại tòa, Ảnh: Lê Quân.

Trước đó, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, cả Vinasun và Grab cùng kháng cáo. Vinasun yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường 36,3 tỷ đồng còn lại cho doanh nghiệp này.

Grab đề nghị Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án Trong trường hợp không đình chỉ thì Grab yêu cầu sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Quyết định 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Đồng thời, Grab yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung vì TAND TP.HCM đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Grab.

Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Đồ họa: Như Ý.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khang-nghi-ban-an-tuyen-vinasun-thang-kien-grab-post915590.html