Kháng kháng sinh, thực sự là một nỗi lo

Trong năm 2016, có 490.000 người đã phát triển bệnh lao đa kháng thuốc trên toàn cầu và kháng thuốc đang bắt đầu làm phức tạp cuộc chiến chống lại HIV và sốt rét. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong thêm trong mỗi năm.

Thực trạng đáng lo ngại

Thuốc kháng sinh ra đời từ những năm đầu của thập niên 40 và là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại. Nó giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn, việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người, lạm dụng kháng sinh trong y tế, nông nghiệp làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Việt Nam là một trong các nước những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức và sử dụng không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong nuôi thủy sản, chăn nuôi và trong công chúng. Các chuyên gia y tế cho biết, hiện nay, nhiều bệnh nhiễm khuẩn thông thường đang kháng với các thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh đó. Việc này dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài hơn và tử vong nhiều hơn.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park cảnh báo, nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài mà không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người vào năm 2050. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt nhỏ do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng.

“Dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc, lạm dụng kháng sinh… không những gây ra tình trạng kháng thuốc, mà còn gây ra nhiều tác hại khác như gia tăng các biến cố có hại của thuốc không đáng có (như dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa...), tăng tỉ lệ nhập viện, cũng như tỉ lệ tử vong, gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh cũng như cho toàn xã hội”- ông Kidong Park nhấn mạnh.

Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên thế giới cho thấy 22% bệnh nhân được dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn 3 ngày thay vì 5 ngày.

Tại Việt Nam, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Kết quả khảo sát của ngành y tế cho thấy 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn kháng sinh được bán mà không có đơn. Hầu hết vi khuẩn kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại, một số thậm chí kháng với tất cả kháng sinh. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm như E.coli.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới thậm chí gọi kháng kháng sinh là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như bác sĩ kê đơn không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn không đúng kháng sinh, không phù hợp với bệnh, kê đơn quá liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ lần đầu dùng kháng sinh... Dược sĩ bán thuốc khi không có đơn của bác sĩ, thậm chí chỉ định kháng sinh cho người bệnh. Người bệnh, người dân tự ý dùng kháng sinh, không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc…

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Phát động Tuần lễ Truyền thông toàn cầu về kháng thuốc (từ 13 đến 19/11), Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết phần lớn kháng sinh thuộc thế hệ 1 và 2 hiện nay đã không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới.

Ngành y tế đã có nhiều quy định về kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị, bán thuốc kê đơn. Hành vi bán lẻ kháng sinh mà không có toa thuốc bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Thứ trưởng Tiến cho rằng hiện mức phạt bán lẻ kháng sinh không kê toa chỉ 200.000-500.000 đồng là chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, kháng sinh đóng góp 13% (ở thành thị) và khoảng 19% (ở nông thôn) doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

Theo Thứ trưởng Tiến, thời gian gần đây, việc lạm dụng kháng sinh có giảm, nhưng chưa giảm như mong muốn. Có một tình trạng là người dân cứ đau ốm là có thể tự ra hiệu thuốc đọc tên thuốc kháng sinh mình cần mua. Điều này vô cùng nguy hiểm vì người dân không thể biết được bệnh này đã cần dùng kháng sinh hay chưa, nếu dùng thì dùng loại kháng sinh nào và dùng với liều lượng bao nhiêu, thời gian kéo dài bao lâu… Nếu sự kết hợp này không hợp lý thì cũng là cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc. Chúng ta cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm, labo để đánh giá, kiểm chuẩn về tình trạng vi khuẩn nhạy với kháng sinh nào để tư vấn cho các nhà lâm sàng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Đối với các hiệu thuốc, phải rất nghiêm túc thực hiện, khi có đơn mới bán thuốc, không có đơn không bán thuốc. Chúng ta phải sử dụng thuốc có chất lượng tốt, không sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh mà chất lượng không đảm bảo. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được tình trạng kháng thuốc như hiện nay.
Để kiểm soát tình trạng kháng thuốc kháng sinh, ông Tiến cho biết, Bộ Y tế đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị như yêu cầu các bệnh viện thực hiện kê đơn thuốc theo đúng chỉ định, quy định, quy chế kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú do Bộ Y tế ban hành; các bệnh viện hình thành Hội đồng Dược, thuốc, hàng tuần đều xem xét bệnh án, đơn thuốc của bác sĩ kê cho bệnh nhân xem có hợp lý hay không.

Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý dược tiến hành thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn tại một số nơi, đặc biệt là các thành phố lớn; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, siết chặt công tác chống nhiễm khuẩn ở khu hậu phẫu, rửa tay bằng xà phòng; sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi, nuôi trồng…

Để chấm dứt lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, Thứ trưởng Tiến khuyến cáo: Người dân chỉ dùng kháng sinh khi có đơn thuốc của bác sĩ; không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước hoặc không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình cho người khác.

Thanh Lan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/khang-khang-sinh-thuc-su-la-mot-noi-lo-tintuc422946