Khẳng định vị thế Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Có thể khẳng định, kể từ ngày thành lập 28-8-1945, cùng với cả nước, ngành ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia, cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khẳng định tầm nhìn chiến lược

Trong nhiều năm qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai bài bản với tầm nhìn chiến lược và các bước đi cụ thể, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có tất cả các nước P5 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Trong những năm qua, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước đã không ngừng được mở rộng và tăng cường, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác ngày càng thực chất. Không chỉ có các chuyến thăm cấp cao, hàng trăm các cuộc tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, các Bộ, ngành, các cơ chế hợp tác, các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đã giúp quan hệ Việt Nam với các nước ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Ở khía cạnh ngoại giao kinh tế, đến nay, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực vào việc đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 FTA song phương và đa phương. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc hình thành hệ thống thương mại quốc tế. Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển then chốt. Chúng ta có sự đan xen lợi ích rộng lớn chưa từng có với các đối tác, 27 đối tác chiến lược và toàn diện cùng 59 đối tác FTA. Chúng ta chủ trương hội nhập rất sâu và hiện nay chúng ta không chỉ ở tầm mức hội nhập mà ở tầm mức liên kết với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế mới.

Triển khai đường lối đối ngoại đa phương một cách tích cực và chủ động, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao về thế và lực trên trường quốc tế.

Trên con đường khẳng định vị thế

Trước đó, năm 2019, Việt Nam cũng đã thể hiện những nỗ lực ngoại giao đa phương rất hiệu quả và tích cực. Tháng 2-2019, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, một dấu ấn thể hiện sự đóng góp chủ động và tích cực của Việt Nam trong nhiều vấn đề khu vực, quốc tế. Tháng 6-2019, Việt Nam đã trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.

Tới đây, năm 2020, với việc đảm nhiệm cùng lúc 2 nhiệm vụ, vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, vừa là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trước các diễn biến, thay đổi liên tục của tình hình thế giới, khu vực. Đối ngoại đa phương, nhất là tại các diễn đàn chủ chốt như ASEAN, Liên hợp quốc và phong trào Không liên kết sẽ luôn ở tuyến đầu trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, duy trì môi trường hòa bình và ổn định phục vụ phát triển của Việt Nam.

Tham gia tích cực và hoàn thành trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước. Mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy kinh nghiệm quý báu "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại"; vượt qua thử thách trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Thế giới đang biết đến Việt Nam không chỉ với tư cách là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trung bình hàng năm đạt 6,8% mà họ còn biết đến một Việt Nam đổi mới, tin cậy và chủ động hợp tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc búa chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.

Chúng ta đang tham gia cùng các nước trong các chương trình nghị sự tại các diễn đàn toàn cầu, cũng như tích cực tham gia xây dựng chuẩn mực ứng xử của khu vực và thế giới. Với thế và lực đang ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã thể hiện đủ sức gánh vác trách nhiệm lớn hơn trên trường quốc tế. Đó là những giá trị lớn, thể hiện sức mạnh mềm của dân tộc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã từng nhấn mạnh: “Trong suốt những năm tháng phụng sự đất nước, ngoại giao Việt Nam không những đạt được thành tựu to lớn, mà còn xây đắp nên truyền thống quý báu, vẻ vang của ngành. Trước hết và nổi bật nhất là truyền thống luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc. Toàn ngành ngoại giao luôn nhận thức rõ và xác định, trung thành với Đảng, với lợi ích dân tộc là nguyên tắc, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, bất kể hoạt động đó diễn ra trong hoàn cảnh và điều kiện nào.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngành ngoại giao luôn nỗ lực hết mình, thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”. Có thể nói từ khi ra đời đến nay, ngành ngoại giao luôn đồng hành, góp phần quan trọng vào những thành công, bước phát triển của cả dân tộc. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, các chủ trương, đường lối đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước, bối cảnh khu vực và quốc tế, tất cả đều nhằm mục tiêu cao nhất là sự phát triển của đất nước.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khang-dinh-vi-the-viet-nam-trong-long-ban-be-quoc-te-185084.html