Khẳng định vị thế, uy tín của Hội Nông dân các cấp

Vị thế, uy tín của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.

Đó là khẳng định của đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII diễn ra sáng 14/1, tại trụ sở Trung ương Hội. Hội nghị tổ chức trong hai ngày 14-15/1/2022.

Hội nghị chia tổ thảo luận (Ảnh: HNV)

Hội nghị chia tổ thảo luận (Ảnh: HNV)

Hội nghị lần này tập trung vào một số nội dung quan trọng, bao gồm: Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 và Tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022; Tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW, ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ 4, khóa VI về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020 và xem xét ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ 4, khóa VI; Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội nhiệm kỳ 2018 – 2023...

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, kỳ họp lần nay sẽ thảo luận và quyết định những nội dung quan trọng và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong nửa cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam. Dịp này, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn yêu cầu, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến để Hội nghị đạt kết quả cao.

Nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế

Trong nửa đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023, các chỉ tiêu cơ bản công tác Hội và phong trào nông dân đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,9%, xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên đạt 48,6 tỷ đô la; nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, là nhân tố tạo sự ổn định cho phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn thôn mới nâng cao; diện mạo, môi trường sinh thái, không gian sống ở nông thôn từng bước được cải thiện.

Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp Hội thực hiện sâu rộng và kịp thời, nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đổi mới phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19; Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố, phát triển; các phong trào thi đua do Hội phát động được lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội và hội viên, nông dân, có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức, cách thức vận động, thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, nông dân; tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho hội viên, nông dân, nhất là trong bối cảnh hội viên, nông dân các tỉnh phía Nam gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã nổi bật lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, tinh thần “tương thân tương ái” của người nông dân.

Vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV)

Tích cực, chủ động trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội (khóa VI) về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2014 – 2020, các cấp Hội Nông dân đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với hình thức sinh động, phù hợp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đã tổ chức xây dựng hàng ngàn mô hình, lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân về thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường trong làng nghề, trang trại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Nhiều phong trào bảo vệ môi trường nông thôn phát động đã được các cấp hội và hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, tham gia; nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả được các cấp Hội thực hiện và nhân rộng. Thông qua các hoạt động thực hiện Nghị quyết, đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên; hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường của cán bộ, hội viên, nông dân; góp phần giải quyết vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nên diện mạo mới ở nông thôn, trở thành những làng quê đáng sống với những cảnh quan môi trường trong lành, xanh, sạch, đẹp. Vai trò, vị thế của tổ chức Hội được nâng lên, góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vào thực tiễn cuộc sống. Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết về cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt và vượt theo yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 20 còn một số tồn tại, hạn chế: Một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp không còn phù hợp cần có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, gắn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu và các Chương trình, Chiến lược và chính sách hiện hành của Chính phủ về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/vi-the-uy-tin-cua-hoi-nong-dan-cac-cap-ngay-cang-duoc-khang-dinh-602056.html