Khẳng định vị thế trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong thành tựu trưởng thành và phát triển của ngôi trường mang tên Bác Hồ kính yêu.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Qua 70 năm phấn đấu xây dựng, trưởng thành và phát triển, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là động lực, hình mẫu cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục chính trị, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng trong Đảng và xã hội". Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong thành tựu trưởng thành và phát triển của ngôi trường mang tên Bác Hồ kính yêu.

Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học

Đánh giá về công tác quản lý khoa học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn 2030, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, công tác quản lý khoa học tại Học viện đã có nhiều biến chuyển tích cực và có bước phát triển vượt bậc.

Kết quả của công tác quản lý khoa học được nhìn nhận ở số lượng hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức thành công, cũng như nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các loại được thực hiện. Điều này được thể hiện ở nhiều báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu, hội thảo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với chất lượng tốt, có đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được sử dụng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng bài giảng tại các lớp cao cấp lý luận chính trị, cao học, tiến sỹ, lớp bồi dưỡng cán bộ các cấp, trong đó có các lớp cán bộ nguồn ở Trung ương và địa phương.

Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã chủ trì thực hiện 92 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, gồm 20 đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia (KX.02): “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”. Cùng với đó là 43 đề tài khoa học cấp quốc gia thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và các chương trình khoa học - công nghệ khác; 4 đề tài khoa học biên soạn lịch sử Đảng; 3 đề tài thuộc Đề án nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân do Thủ tướng Chính phủ giao; 22 đề tài khoa học nghiên cứu sưu tầm tài liệu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam do Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư giao...

Nhiệm vụ trọng tâm của những đề tài kể trên là tập trung vào nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về quan điểm, đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; về những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng, về đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền; xây dựng và phát triển xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn này cũng phát triển mạnh. Hiện nay, Học viện đã có quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với hơn 200 đối tác quốc tế của 60 nước và vùng lãnh thổ. Học viện đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều đối tác mới là những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, tổ chức phi chính phủ thuộc nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác. Hình thức và nội dung hợp tác quốc tế cũng đa dạng và ngày càng phong phú hơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, riêng trong năm 2019, Học viện đã xây dựng 40 báo cáo kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực, cung cấp các luận cứ khoa học và đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và xây dựng hàng trăm báo cáo tư vấn góp ý chính sách cho các ban, bộ, ngành Trung ương. Điều đặc biệt là trong quá trình xây dựng báo cáo kiến nghị, không chỉ có báo cáo của các tập thể mà còn có báo cáo của các cá nhân cán bộ khoa học; không chỉ cán bộ đương chức mà có cả cán bộ nghỉ hưu; có sự kết hợp giữa các giáo sư đầu ngành dẫn dắt với các nhóm cán bộ trẻ, thậm chí rất trẻ như Nhóm xây dựng báo cáo của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Thành, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nhóm xây dựng báo cáo của Giáo sư Trần Văn Phòng, Viện trưởng Viện Triết học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)...

Cùng với tăng cường nghiên cứu lịch sử Đảng và chương trình nghiên cứu tiểu sử 9 đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam đã được Ban Bí thư nghiệm thu thành công, Học viện chủ động nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học xác đáng để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định tôn vinh đồng chí Nguyễn Chính Diệu và Hoàng Đình Giong là cán bộ tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Góp phần tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng

Nêu một số đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi cho biết: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học- công nghệ, đặc biệt là Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Học viện tiếp tục phát huy tinh thần và môi trường dân chủ trong hoạt động khoa học; hoàn thiện hơn nữa cơ chế huy động, phát huy tiềm năng chất xám, trí tuệ của đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cộng tác với Học viện.

Thông qua việc tăng cường mở rộng thông tin, phân cấp trao quyền, tổ chức các diễn đàn khoa học, hình thành trung tâm chia sẻ tri thức toàn cầu, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, Học viện sẽ tạo cơ hội tham gia nghiên cứu cho cán bộ khoa học, đặc biệt là cán bộ trẻ.

Nêu giải pháp tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý cho rằng, công tác quản lý khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần đổi mới mạnh mẽ trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về phát triển khoa học-công nghệ. Đặc biệt, Học viện cần tiến hành nghiên cứu và triển khai tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau Đại hội vào năm 2021.

Hoạt động khoa học của Học viện sẽ tích cực góp phần tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ khoa học phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các bộ, ban, ngành, địa phương; là phương thức hữu hiệu để đào tạo cán bộ khoa học trong Học viện.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, trong giai đoạn 2020 và tầm nhìn năm 2030, Học viện phải đẩy mạnh việc tăng số lượng, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình nhiệm vụ nghiên cứu cũng như tăng mạnh về chất lượng nhằm phục vụ một cách có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Chính phủ giao cho Học viện. Đồng thời, Học viện cần chú trọng đề cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính mục đích, ý nghĩa thực tiễn của các công trình nghiên cứu khoa học; tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tổng kết thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận gắn với nghiên cứu thực tiễn để những đóng góp khoa học của Học viện thực sự ghi được dấu ấn vào các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/khang-dinh-vi-the-trung-tam-quoc-gia-nghien-cuu-khoa-hoc-ly-luan-chu-nghia-macle-nin-va-tu-tuong-ho-chi-minh-20200126094552776.htm