Khẳng định vị thế, nỗ lực của Việt Nam trên trường quốc tế

Bắt đầu từ tháng 1-2020, Việt Nam chính thức giữ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời, trong tháng 1 và tháng 4-2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ luân phiên.

Niềm vui của đoàn Việt Nam sau khi Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ, ngày 7-6-2019. Ảnh: TTXVN

Niềm vui của đoàn Việt Nam sau khi Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ, ngày 7-6-2019. Ảnh: TTXVN

Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

Vào tháng 6-2019, tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã được các nước bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu bầu cao 192/193 phiếu. 10 năm trước, trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí này và tạo được những thành công nhất định, tiếp tục khẳng định là thành viên tích cực, thực chất, có trách nhiệm trong LHQ. Hiện, 10 Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bao gồm các nước: Estonia, Bỉ, Cộng hòa Dominicana, Đức, Indonesia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Nam Phi, Tunisia và Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo quốc tế về việc Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, ngày 12-12-2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, kết quả trên là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế nhìn nhận truyền thống đấu tranh vì hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc trong quá khứ và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế, ủng hộ những vấn đề thuộc mối quan tâm chung của quốc tế.

Hội đồng Bảo an LHQ có 15 thành viên, gồm 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ, Pháp và 10 thành viên không thường trực được phân chia theo khu vực địa lý (5 cho nhóm châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương, 2 cho nhóm Mỹ Latinh và Caribe, 2 cho nhóm Tây Âu, 1 cho nhóm Đông Âu) có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu. Điều 24 của Hiến chương LHQ quy định Hội đồng Bảo an là một trong những cơ quan chính của LHQ, chủ yếu có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Cũng theo Điều 4 và 25 của Hiến chương LHQ, các nước thành viên LHQ sẽ đồng ý và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an. Khác với những cơ quan còn lại trong LHQ (Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng Quản thác, Tòa án Quốc tế và Ban Thư ký LHQ) với những quyết định mang tính đề nghị, khuyến khích các nước tham gia, các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi đã được thông qua sẽ mang tính ràng buộc và yêu cầu các nước thành viên LHQ đều phải có trách nhiệm thi hành. Cùng với đó, các Chương VI, VII, VII của Hiến chương LHQ cũng đã quy định cụ thể các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an.

Trong nhiệm kỳ 2008-2009, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã từng tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an luân phiên vào tháng 7-2008 và tháng 10-2009. Với trách nhiệm được giao phó, Việt Nam sẽ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Chương trình làm việc của mỗi phiên họp Hội đồng Bảo an sẽ do Tổng Thư ký soạn thảo và được Chủ tịch Hội đồng Bảo an thông qua. Trong tháng 1-2020, chương trình làm việc của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất sẽ có 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín, thảo luận nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Hai nội dung chính trong chương trình tháng 1 là về Hiến chương LHQ và hợp tác giữa LHQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đặc biệt, ngay những ngày đầu đảm nhiệm cương vị mới, Việt Nam đã đề xuất và được các nước Ủy viên Hội đồng Bảo an nhất trí cao trong việc tổ chức hội nghị thảo luận về chủ đề thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và cuộc họp về hợp tác giữa LHQ với ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Việt Nam thúc đẩy 7 ưu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2021

Trong nhiệm kỳ lần này, Việt Nam hướng tới thúc đẩy 7 ưu tiên trong năm hoạt động trong Hội đồng Bảo an LHQ. Đầu tiên, Việt Nam sẽ cùng các nước ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương LHQ. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương LHQ. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đóng góp nỗ lực vào các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; phụ nữ và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột, bao gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột; hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc

Gia nhập LHQ vào ngày 20-9-1977, từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các hoạt động của tổ chức toàn cầu này. Nhất là trong lần đầu tiên tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các nước thành viên LHQ đánh giá cao. Cụ thể, với đường lối đối ngoại đề cao hòa bình, Việt Nam đã có những đóng góp trong giải quyết các vấn đề căng thẳng, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới, ủng hộ thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, Việt Nam cũng tích cực đề xuất các sáng kiến thực chất, xây dựng nghị quyết, văn kiện, cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, năm 2020 sẽ là một năm bận rộn đối với ngoại giao Việt Nam khi phải đảm nhiệm “vai trò kép” vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, trong bối cảnh các nước lớn có những sự chia rẽ nhất định, chủ nghĩa đa phương đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam luôn giữ quan điểm nêu cao hòa bình, không phát triển vũ khí hàng loạt, chống khủng bố dưới mọi hình thức, giải quyết các xung đột, căng thẳng bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, quyền lợi của các quốc gia. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2020 sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển quan hệ song phương cũng như đa phương, thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khang-dinh-vi-the-no-luc-cua-viet-nam-tren-truong-quoc-te/