Khẳng định vị thế hạt gạo Việt trên thị trường thế giới

Logo thương hiệu gạo Việt Nam vừa được công bố tại Lễ khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 - 2018.

Ban Tổ chức trao thưởng cho họa sỹ Nguyễn Nghiêm, người thiết kế Logo thương hiệu gạo Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp khi lần đầu tiên có logo thương hiệu gạo quốc gia để có thể gia tăng tính nhận biết và ý nghĩa lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Gạo Việt Nam chính thức có logo thương hiệu

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) giải thích về logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, trọng tâm logo là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc Việt đang tung cánh, là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới. Các lá lúa cách điệu còn gợi ra hình ảnh ruộng lúa với nền văn minh lúa nước lâu đời, làm gia tăng tính nhận biết và ý nghĩa lan tỏa cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Tên thương hiệu nhấn mạnh chữ Gạo Việt Nam/VietNam Rice, dùng kiểu chữ dễ đọc, hiện đại, hài hòa với phần hình. Nền logo màu xanh lá, mang thông điệp về Việt Nam là quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển với sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

Bố cục logo hình elíp, vừa là hình hạt gạo, vừa là hình trái đất, mang thông điệp thương hiệu gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên phạm vi toàn thế giới. Logo giàu tính độc đáo, biểu cảm, thân thiện, tạo hiệu quả thị giác cao, dễ nhận biết, dễ nhớ, gợi sự liên tưởng sâu rộng.

Tổng thể logo tạo ra hình ảnh cất cánh bay xa của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trong xu hướng hội nhập và phát triển.

“Logo thương hiệu gạo Việt Nam sẽ khẳng định giá trị thương hiệu gạo Việt Nam đối với các nước có thế mạnh về nông nghiệp lúa gạo trong khu vực và thế giới”, ông Toản nhấn mạnh.

Tạo đà cho sản xuất và thương mại

Theo ông Toản, logo chỉ là bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Thời gian tới, sau khi nhận phản hồi từ các thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Wipo), Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hoàn thành quy chế sử dụng logo để các doanh nghiệp sử dụng khi xuất khẩu. Về nguyên tắc, không phải tất cả gạo Việt Nam xuất khẩu đều gắn logo này mà chỉ có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định về chủng loại, chất lượng.

"Đề án phát triển thương hiệu Gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa và quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, thương mại lúa gạo”, ông Toản cho biết.

Ông Martin Albani, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC, nhận định: Điều đáng mừng là, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia, và bắt đầu hành động. Sự thay đổi đang diễn ra là chuyển đổi từ sản xuất theo số lượng sang đi sâu vào chất lượng sản phẩm.

“Tất nhiên, thương hiệu không chỉ là logo biểu trưng bằng hình ảnh mà phải được khẳng định bằng chất lượng. Nói cách khác, không phải sản phẩm gạo nào cũng được gắn thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đưa ra hình ảnh. Tiếp đó là phát triển thương hiệu. Việc đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, khách hàng mà còn tác động quan trọng đối với đối tác”, ông Martin Albani nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Rui Esteves, Phó chủ tịch cấp cao Kinh doanh toàn cầu Agriworld, thương hiệu gạo có được từ chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, gạo Việt Nam cần nâng cao chất lượng. Thị trường khắt khe như châu Âu yêu cầu cao về chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu, cho nên gạo Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ từ ngoài đồng ruộng cho tới kho và kiểm tra mẫu trước khi xuất đi nước ngoài.

Đẩy mạnh quảng bá cho hình ảnh hạt gạo Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho hay, Bộ sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu gạo Việt Nam tại những thị trường truyền thống, tiềm năng; làm việc với các kênh phân phối gạo tại thị trường nhập khẩu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Thương hiệu gạo Việt Nam mấy chục năm qua khá mờ nhạt trên thị trường. Bộ Nông nghiệp và PTNT và ngành hàng lúa gạo Việt Nam công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam là việc làm kịp thời cho nhận diện thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới. Từ logo, thế giới sẽ phần nào nhận biết được gạo có xuất xứ Việt Nam, từ đó giúp gạo nước ta khẳng định được chất lượng, giá trị.

Hy vọng, gạo Việt Nam khi có logo thương hiệu không chỉ góp phần gia tăng giá trị hạt gạo mà còn xây “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường quốc tế. Điều này giúp người sản xuất có thu nhập ổn định, đồng thời giá trị xuất khẩu nông sản ngày một tăng lên.

Ai được dùng thương hiệu gạo quốc gia?

Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 2/5/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ, tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện:

Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.

Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng. Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.

Quyết định quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận. Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận;…

P.V

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/khang-dinh-vi-the-hat-gao-viet-tren-thi-truong-the-gioi-post24640.html