Khẳng định thêm vị trí, tầm quan trọng của BĐBP đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Ban soạn thảo dự án Luật BPVN của Bộ Quốc phòng chuẩn bị chu đáo và công phu. Dự luật được thông qua sẽ khẳng định vị thế của BĐBP trên các tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, tham mưu Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; chủ trì duy trì hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Thành chung

Cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Thành chung

Dự thảo Luật BPVN quy định rất rõ nhiệm vụ BĐBP là thu thập thông tin, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng các chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và xây dựng lực lượng BĐBP; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu; kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu, hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết các sự kiện biên giới, cửa khẩu; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

BĐBP còn tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; huy động, tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để thực hiện nhiệm vụ biên phòng, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thảm họa, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. BĐBP cũng làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở khu vực biên giới.

Ngoài ra, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, BĐBP cùng với Hải quan, Công an... tổ chức kiểm soát liên ngành tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, đặc biệt khi có tin báo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của tội phạm thì BĐBP chủ trì trực tiếp kiểm tra.

Vì BĐBP là lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí, trang bị trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì phải được kiểm tra người, phương tiện và hàng hóa có dấu hiệu vi phạm khi qua lại biên giới, cửa khẩu.

Thực tiễn thời gian qua, BĐBP đã và đang làm rất tốt công tác này cũng như thực thi nhiệm vụ biên phòng. Ngoài việc phát hiện, đấu tranh với tội phạm về ma túy, hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, BĐBP bảo đảm tốt các hoạt động thông thương khác, không làm ảnh hưởng đến việc xuất, nhập khẩu và cũng không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng Hải quan, Công an.

Hơn 61 năm qua, trên các tuyến biên giới đất liền và khu vực biên giới biển, BĐBP đã khẳng định rõ chức năng là lực lượng trực tiếp giữ gìn an ninh biên giới và đảm bảo tốt về nhiệm vụ phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo đảm, chủ động về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nhưng đến nay, trong hệ thống pháp luật mới chỉ có Pháp lệnh BĐBP, do đó, việc xây dựng, ban hành Luật BPVN không những khẳng định thêm vị trí, tầm quan trọng của BĐBP đối với công cuộc bảo vệ đất nước nói riêng, mà còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là lực lượng chuyên trách, lực lượng nòng cốt để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tham mưu xây dựng thế trận biên phòng và thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Thực tế, trong nhiều năm qua, BĐBP đã làm điều này và làm rất tốt, phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, trong đó, vừa là lực lượng chuyên trách khi làm nhiệm vụ ở các cửa khẩu, vừa là lực lượng nòng cốt khi xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Một số ý kiến cho rằng, có cần thiết phải để Chính phủ quy định chi tiết biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng hay không? Ở nội dung này, có một số người nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc nên cho rằng, Luật BPVN chỉ dừng lại ở việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoạt động công khai của BĐBP là quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xử phạt vi phạm hành chính; điều tra một số loại tội phạm xảy ra ở khu vực biên giới, không cần đề cập tới nhiệm vụ tác chiến vì họ không hiểu BĐBP là thành phần của QĐND Việt Nam.

Trên cơ sở Chính phủ quy định biện pháp thực thi thì mới có phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, dự thảo Luật BPVN quy định về phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp và thuận lợi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện. Cụ thể, BĐBP và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biên giới trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc theo phân cấp của Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cấp tỉnh có biên giới, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo Luật BPVN đã quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu, vừa đảm bảo độc lập chủ quyền, an ninh lãnh thổ và những nhiệm vụ khác, nhằm tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng ở khu vực biên giới và cửa khẩu.

Thực tế, trong thời gian qua, BĐBP đã làm rất tốt công tác xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng, chính trị ở khu vực biên giới, là lực lượng trực tiếp cụ thể hóa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa, nơi đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới.

Đối với công tác phối hợp giữa lực lượng BĐBP và lực lượng Công an trên biên giới, cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa về biên phòng, các quy định về nhiệm vụ và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, chế độ, chính sách, vai trò, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác biên phòng, thể chế hóa đầy đủ vị trí, vai trò của BĐBP trong công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.

Bởi vì, trách nhiệm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân hiện nay không chỉ thuộc về một lực lượng nào mà cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, tại khu vực biên giới, cửa khẩu, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng trên cơ sở xuất phát từ chức năng quản lý, quyền hạn của từng bộ, ngành để phân định cho hợp lý.

Dự thảo Luật BPVN và Luật Hải quan có sự phân định rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP và Hải quan trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh. Trong đó, BĐBP có trách nhiệm chủ trì kiểm tra người xuất, nhập cảnh và kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; Hải quan có trách nhiệm chủ trì kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sự phối hợp giữa hai lực lượng Biên phòng và Hải quan rất tốt, bảo đảm dòng chảy thương mại được lưu thông.

Chúng ta cần nhất quán rằng, mục tiêu làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực biên giới, cửa khẩu để vừa bảo đảm được độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội nhưng không để chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu, không để tình trạng “tranh công đổ lỗi” xảy ra.

Đồng thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh ở khu vực biên giới, cửa khẩu liên hoàn, vững chắc.

Luật BPVN ra đời sẽ góp phần nâng cao địa vị pháp lý, cơ chế chính sách, về xây dựng tiềm lực, cơ sở vật chất, lực lượng thực hiện nhiệm vụ biên phòng theo Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đặc biệt, những chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP, các lực lượng phối hợp và thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu từng bước được hoàn thiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Mặt khác, đồng bộ hóa với hệ thống pháp luật Việt Nam và các bộ luật trước đây đã được ban hành như Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát Biển, Luật Dân quân tự vệ, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp... và các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết.

Hiện nay, chúng ta đã có các luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia 2003, Luật An ninh quốc gia 2004 và Luật Quốc phòng 2018 đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì trong công tác duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, thực tế đã và đang thực hiện có hiệu quả, không có sự chồng chéo, khó khăn nào.

Để tránh tình trạng “tranh công đổ lỗi”, lực lượng nào là chủ trì, nòng cốt; lực lượng nào là phối hợp, phải theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng nào phát hiện trước thì lực lượng ấy xử lý theo quy định của pháp luật, trong khi đó, thẩm quyền điều tra của các lực lượng trong hoạt động điều tra thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đại tá Phùng Thắng, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khang-dinh-them-vi-tri-tam-quan-trong-cua-bdbp-doi-voi-cong-cuoc-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-post433567.html