Khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950

Sáng 2-10, tại Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng (BQP) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử'. Các đồng chí Ủy viên Trung ương (UVTƯ) Đảng: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng BQP; Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, đồng chủ trì hội thảo.

Nhạy bén, chủ động, đúng lúc, đúng hướng

Đến dự hội thảo có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng BQP; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, UVTƯ Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); các tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trực thuộc BQP; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…

 Trung tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc hội thảo.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên Giới (CTBG) Thu - Đông 1950; qua đó tiếp tục khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình; đồng thời giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực cũng như những bài học, kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với khái quát lại diễn tiến của Chiến dịch Biên giới (CDBG) Thu-Đông 1950, đề dẫn hội thảo do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày cho thấy, Ban tổ chức đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và BQP; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều tham luận nhấn mạnh, CDBG Thu - Đông 1950 là kết tinh thành quả từ những nỗ lực phi thường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ do phải “chiến đấu trong vòng vây” của kẻ thù. Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, nhất là trong vùng địch kiểm soát, đồng thời từng bước đẩy mạnh vận động chiến; củng cố khối đoàn kết toàn dân, phá âm mưu chia rẽ của địch. Vừa đẩy mạnh kháng chiến ở trong nước, ta vừa tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu với các nước bạn: Lào, Campuchia, Trung Quốc...

Đến năm 1950, Đảng ta đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, đề ra chủ trương “gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950”. Đề cập sâu sắc nội dung này có tham luận “Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CDBG 1950” của Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương (TVQUTƯ), Chủ nhiệm TCCT; tham luận “CTBG Thu-Đông 1950, thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến tranh của Đảng” của PGS, TS Trịnh Thị Hồng Thạnh, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Quang cảnh buổi hội thảo.

Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch lớn trên hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, phá âm mưu của Pháp khóa chặt biên giới Việt - Trung, cô lập cách mạng Việt Nam; mở thông đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Chỉ huy (BCH) chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng mạnh tiến công tiêu diệt địch, giải phóng biên giới từ Cao Bằng đến Thất Khê. Cùng với tiến công địch ở biên giới, Trung ương Đảng chỉ đạo toàn quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự, góp phần chia lửa với chiến trường biên giới Cao - Lạng; chỉ đạo quân và dân Việt Bắc đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch.
Tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra trận cùng BCH chiến dịch chỉ đạo, kiểm tra mọi mặt công tác, phê duyệt phương án tác chiến do BCH chiến dịch đề ra; qua đó tạo nên tác dụng to lớn trong việc cổ vũ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chiến dịch. Như vậy có thể thấy, với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, đề ra quyết tâm chiến lược, chủ động mở chiến dịch tiến công lớn đúng lúc, chọn đúng hướng và tập trung lực lượng kiên quyết giành thắng lợi. Một số tham luận đã luận giải sâu sắc nội dung này, đặc biệt là tham luận “Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tác chiến trong CDBG 1950 - Một số bài học kinh nghiệm lớn”, của Thượng tướng Phan Văn Giang, UVTƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP…

Dũng cảm, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng

Trong CDBG, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham phục vụ chiến dịch. Mặc dù triển khai trên địa bàn rộng, có nhiều lực lượng tham gia, nhưng chiến dịch vẫn được giữ bí mật tuyệt đối do đồng bào các dân tộc tự giác thực hiện triệt để “3 không” (không nói, không biết, không thấy). Trên khắp các chiến trường cả nước, quân và dân ta cũng đẩy mạnh tác chiến, căng kéo và tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Trong chiến dịch này, trên cơ sở dựa vào sức mình là chính, ta còn tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, giúp chúng ta tăng cường sức mạnh chiến đấu để tổ chức một chiến dịch tiến công quy mô lớn và giành thắng lợi vang dội. Đây cũng là nội dung được Đại tướng Phạm Văn Trà và Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên cán bộ Văn phòng Tổng Chính ủy, phái viên Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu trong CDBG 1950, nhấn mạnh trong tham luận của mình.

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo.

Một số tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh, thắng lợi của CDBG 1950 được tạo nên bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tiêu biểu là các tham luận “Đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong CDBG 1950” của đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; “Quân và dân Bắc Kạn phối hợp với CDBG 1950” của đồng chí Nguyễn Văn Du, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; “Lực lượng vũ trang Việt Bắc trong CDBG 1950” của Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1…

Các tham luận khẳng định, với bản chất và truyền thống tốt đẹp, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, kiên quyết vượt qua những tình huống khó khăn, chủ động tiến công địch quyết liệt. Đặc biệt, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đi chiến dịch đã tạo nên nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ. Trải qua 29 ngày chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn của địch, diệt và bắt 8.296 tên, thu hơn 3.000 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn). Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như đồng chí La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương rồi tiếp tục xông lên phá lô cốt địch; Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mở đường cho đơn vị xông lên…

Đúc rút nhiều bài học quý

CDBG 1950 là lần đầu tiên chúng ta huy động hầu hết các đơn vị chủ lực tương đương với 2 đại đoàn tham gia vào một chiến dịch có quy mô lớn, dài ngày, trên địa bàn rộng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, lấy đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự là chính. CDBG 1950 cũng khẳng định bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch. Nhiều tham luận đã đi sâu phân tích về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật nghi binh, chọn hướng tiến công, chọn mục tiêu then chốt đánh trận mở màn chiến dịch và khẳng định đó là những thành công nổi bật của nghệ thuật chiến dịch. Cụ thể, khi xác định hướng mở chiến dịch, hướng Đông Bắc đã được chọn là hướng chính, Tây Bắc là hướng nghi binh, các chiến trường khác đều tăng cường hoạt động để phối hợp với chiến trường chính nhằm phân tán lực lượng địch.
Chọn cứ điểm Đông Khê đánh trận mở màn chiến dịch thay vì tiến công thị xã Cao Bằng như kế hoạch ban đầu là một quyết định chính xác, có ý nghĩa quan trọng dẫn đến thắng lợi của toàn chiến dịch. Bên cạnh đó, nghệ thuật nắm vững phương châm tác chiến, giữ thế chủ động chiến trường, triển khai thế trận, bố trí lực lượng đánh địch tăng viện, chuyển hóa thế trận tốt… cũng rất nổi bật, là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến thắng lợi giòn giã. Đề cập rõ nét những nội dung nói trên có các tham luận: “CTBG Thu - Đông 1950 – Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam”, của Trung tướng Nguyễn Tân Cương, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng BQP; “CTBG Thu - Đông 1950 – Kết quả của quá trình từ “du kích chiến” tiến lên “vận động chiến” của Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng…

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Trên cơ sở trình bày toàn diện những vấn đề thực tiễn lịch sử, đặc biệt là kết quả to lớn và ý nghĩa của chiến dịch, nhiều tham luận đi đến khẳng định: CDBG 1950 đã mở ra một cục diện mới, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới, giai đoạn ta giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chuyển hẳn sang liên tục tiến công và phản công địch. Biên giới Việt - Trung được khai thông, thế bị bao vây cả trong lẫn ngoài bị phá vỡ, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng, ta có điều kiện tiếp nhận sự chi viện về vật chất, tinh thần của Trung Quốc, Liên Xô và bạn bè quốc tế. Cùng với khẳng định ý nghĩa chiến lược quan trọng của CDBG 1950, một số tham luận đã đi sâu phân tích nguyên nhân thắng lợi và rút ra những bài học lịch sử và kinh nghiệm sâu sắc, đặc biệt là tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP với tiêu đề “Phát huy tinh thần CTBG Thu-Đông 1950 trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Cùng với đó, các tham luận cũng nêu bật lên những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và BCH chiến dịch; về phát huy sức mạnh của cả nước để làm nên chiến thắng; về công tác bảo đảm, huy động hậu cần nhân dân; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam; về tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới…

Phát biểu bế mạc hội thảo, cùng với làm rõ và khẳng định một số nội dung quan trọng, Trung tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng, các tham luận đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, bảo đảm cho CDBG 1950. Đồng chí Thứ trưởng BQP mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục sưu tầm, cung cấp thêm nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới CTBG Thu - Đông 1950 để các cơ quan nghiên cứu, bổ sung vào các công trình khoa học lịch sử, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm chiến lược đặc biệt này.
Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhằm đưa các kết quả nghiên cứu từ hội thảo được hiện thực hóa đầy đủ, sâu sắc hơn nữa trong thực tiễn; mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, quân đội và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ để hiểu rõ về tầm vóc, giá trị lịch sử của CTBG Thu - Đông 1950. Qua đó, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ- VĂN NAM - ĐÌNH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/khang-dinh-tam-voc-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc-cua-chien-thang-bien-gioi-thu-dong-1950-639669