Khẳng định sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Sáng 19/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục với sự tham dự của các đại biểu đại diện lãnh đạo của cơ quan, ban ngành Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Đình Phong- Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục hình thành cách đây một thế kỷ. Đó là tư tưởng mang đậm giá trị truyền thống - hiện đại - phổ quát, chứa đựng bản chất khoa học - cách mạng - nhân văn, luôn hướng tới tương lai.

PGS.TS. Trần Thị Minh Tuyết - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy thực thụ mà còn là người kiến tạo nền giáo dục dân chủ ở Việt Nam bằng hệ thống quan điểm thực sự khoa học. Hồ Chí Minh được mệnh danh là hiện thân của “nền văn hóa tương lai”. Năng lực nổi trội ấy của Người thể hiện rõ trong quá trình kiến tạo nền giáo dục mới ở Việt Nam.

PGS.TS Bùi Đình Phong trình bày tham luận tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Quốc Bảo - Nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện báo chí và Tuyên truyền cho rằng Trong quá trình hoạt động cách mạng, từ khi đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục ở một vị trí đặc biệt.

Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giáo dục và đào tạo bao gồm các vấn đề từ vai trò, vị trí giáo dục, mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục; nguyên lý, phương châm giáo dục; phương thức, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ; chủ trương, chính sách đối với giáo dục.

PGS.TS. Trần Đình Huỳnh- Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác – Lênin cho rằng: Gương sáng tự học, tự giáo dục, học mãi, học suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thức ngộ tất cả chúng ta, trước hết là các nhà hoạt động chính trị-xã hội ở tất cả các cấp, các ngành,và đặc biệt ngay trong chính giới những người được coi là "nhà khoa học".

Các đại biểu cũng gửi đến hội thảo nhiều nội dung về tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu bế mạc hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục được tổ chức đúng ngày 19/5/2020, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người là diễn đàn trao đổi học thuật của cán bộ, giảng viên, sinh viên với các nhà khoa học.

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ những luận điểm có giá trị khoa học, có những nhận thức và đóng góp mới về tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục; là dịp mà toàn thể thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên ôn lại và khắc ghi những lời căn dặn đầy tâm huyết, ân tình của Bác.

Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại mình đã làm được gì, sẽ phấn đấu như thế nào để đền đáp lại những mong muốn lớn lao của Bác, đó là học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn.

Đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo, nên trách nhiệm của những người thầy lại càng cao, nhiệm vụ càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn. Bởi vậy cả thầy, cả trò phải ra sức học tập, học lý thuyết áp dụng vào thực tế bằng phương pháp tư duy khoa học.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các đại biểu đã tham dự và đóng góp những tham luận, ý kiến quý báu cho Hội thảo. Đây chính là những luận cứ khoa học, nguồn tư liệu quý báu để toàn ngành Giáo dục nghiên cứu, vận dụng trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và trong công tác quản lý giáo dục.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khang-dinh-suc-song-truong-ton-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giao-duc-20200519123030114.html