Khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của vùng 'đất sen hồng'

Học theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự nghiệp làm nên bởi chữ 'Đồng' - 'Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh', những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chung sức, đồng lòng trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của vùng 'đất sen hồng'.

Sức mạnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chương trình xây dựng NTM đã tạo ra sự đột phá quan trọng, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện (Ảnh: HM)

Chương trình xây dựng NTM đã tạo ra sự đột phá quan trọng, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện (Ảnh: HM)

Nhìn lại quá trình 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã huy động một nguồn lực "khổng lồ" dành cho nông thôn. Đến hết năm 2020, tỉnh có 96/115 xã hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đánh giá từ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Chương trình đã tạo ra sự đột phá quan trọng, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Tất cả đã ghi dấu ấn rõ nét cho một chặng đường phát triển, những đô thị sầm uất mang dáng dấp hiện đại dần rõ nét vươn lên cùng nhịp với các đô thị khác trong khu vực. Những khu phố chật hẹp ngày nào, đã dần nhường chỗ cho các khu đô thị mới khang trang, hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại, môi trường sống cải thiện. Những mái nhà tre dần được thay bởi những khu dân cư tập trung, với điều kiện sống ngày một nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.

Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân đã chủ động nắm bắt những thuận lợi và cơ hội để phát triển sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh tế, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp của người dân vùng “Đất Sen hồng”.

Nhắc đến vùng đất Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp có lẽ không ai quên được hình ảnh những vườn quýt chín trĩu quả màu vàng tươi rất đặc trưng, độc đáo, khó có nơi nào sánh bằng. Không chỉ nổi tiếng về thương hiệu ngon ngọt, ai đã từng đến trải nghiệm vườn cây trái đặc sản ở Lai Vung đều có chung mong muốn được trở lại. Đó là thành công của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động vượt khó của người dân trong triển khai, phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp của Huyện ủy Lai Vung.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; các tổ chức chính trị - xã hội, du lịch vườn cây ăn trái đã và đang trên đà phát triển, có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế vườn. Tính đến nay, huyện Lai Vung có 07 điểm tham quan vườn cây ăn trái: "Bá Chuốt", "Hai Kiệt", "Lan Anh", "Ba Vững", vườn mận "Hòa Thành", "Út Hớn", "Hưng Phát".

Vườn quýt Lai Vung đã trở thành điểm đến tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh (Ảnh: HM)

Không chỉ tham quan, ngắm vẻ đẹp của những vườn cây ăn trái, nhiều điểm tham quan đã kết hợp cho du khách trải nghiệm các hoạt động của người nông dân địa phương như: thu hoạch trái cây, bơi xuồng, nấu ăn…

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, hiện một số nhà vườn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật để xử lý cho trái nghịch vụ, cho trái xen kẽ các tháng trong năm (phân chia khu vực hoặc tách liếp cho trái rãi vụ) nhằm kéo dài thời gian phục vụ khách trong năm.

Kết quả đón khách tính từ năm 2016 đến nay là trên 145.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng (bình quân 8,6 tỷ đồng/năm và bình quân một điểm tham quan có doanh thu khoảng 900 triệu đồng/năm).

Cũng như nhiều địa phương của tỉnh, Huyện ủy Tháp Mười đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc tập trung đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng thực hiện công tác dân vận, huyện Tháp Mười đã tập trung nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới trong công tác vận động, thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tiêu biểu như mô hình "Khởi nghiệp", sổ tay hộ gia đình thi đua "Chung sức xây dựng NTM", "Tổ Nhân dân tự quản", "Hội quán" được hình thành rộng khắp, hoạt động có hiệu quả. Từ đó, các tầng lớp nhân dân phát huy ý thức "tự lực, chăm chỉ, hợp tác" trong lao động sản xuất, kinh doanh và xây dựng nông thôn mới.

Huyện đã tích cực thực hiện phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân. Nhờ vậy giá trị kinh tế ngày một nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng từ đó nâng lên.

Sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện diện mạo nông thôn huyện Tháp Mười có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa không ngừng được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được bảo đảm; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được bảo đảm; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã góp phần đưa Đồng Tháp hoàn thành và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2020 tăng trưởng đứng thứ ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hộ nghèo giảm; nhiều sự kiện chính trị - văn hóa được tổ chức với quy mô lớn, thành công.

Xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ

Công tác cải cách hành chính được tỉnh Đồng Tháp thực hiện theo hướng xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành theo hướng xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện quyền theo dõi, giám sát đối với hoạt động của chính quyền các cấp.

Các cấp chính quyền đã nỗ lực, triển khai thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao như: Thành lập các mô hình Hội quán nhân dân; mô hình "Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp"; chính quyền cơ sở tiếp xúc, đối thoại với người dân; đối thoại cùng chính quyền trên sóng phát thanh; tổ chức họp mặt doanh nghiệp, hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường…

Đồng Tháp đã thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính thông qua việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các tiện ích hành chính. Hiện nay, 100% cơ quan hành chính ứng dụng phần mềm một cửa điện tử và sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ thủ tục qua môi trường mạng, đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho doanh nghiệp và người dân.

UBND tỉnh ban hành Quy định hướng dẫn việc xin lỗi tổ chức, công dân vì sự chậm trễ, sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là thực hiện nghiêm túc công tác đối thoại, tiếp dân để lắng nghe, ghi nhận và giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với người dân, doanh nghiệp như: Công khai số điện thoại, email, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022… nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị và địa phương đều có xây dựng quy chế làm việc của cơ quan, gắn việc thực hiện nhiệm vụ với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa ứng xử nơi công sở, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ, xây dựng chuẩn mực cán bộ, công chức theo phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".

Từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, năm 2020, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh Đồng Tháp xếp hạng thứ 3/63 tỉnh, thành, trong đó: Điểm thẩm định là 53.86; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 8.76 điểm; Khảo sát lãnh đạo quản lý 18.81 điểm; Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội 3.00 điểm, tổng điểm 84.43 (đứng đầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index).

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã khẳng định: có được những kết quả trên, đó là nỗ lực, chứng minh tỉnh Đồng Tháp đã đi đúng hướng và cần phải đi nhanh hơn nữa nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Đồng Tháp đang củng cố vững chắc hình ảnh của một địa phương có môi trường thuận lợi, giàu khát vọng, tiềm năng, sẵn sàng tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư./.

Hoàng Mẫn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/khang-dinh-su-vuon-len-manh-me-cua-vung-dat-sen-hong-577052.html