Khẳng định quyền chủ quyền bất khả xâm phạm

Ngày 19/7, tai cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đã xâm phạm vùng biển Việt Nam.

 Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển không có tranh chấp và thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. (ảnh TT)

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển không có tranh chấp và thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. (ảnh TT)

Cụ thể, theo bà Lê Thị Thu Hằng “trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.

Theo quy định của UNCLOS 1982: “Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở”. Trên tinh thần đó, Khu vực nhà giàn DK1; Trong đó, có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam.

Đây là vùng biển được hoạch định theo UNCLOS 1982. Và càng đặc biệt hơn, vùng biển này không tranh chấp với nước nào. Bởi thế, việc Trung Quốc đưa tàu nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Điều cần nói thêm, với mưu đồ độc chiếm biển Đông, Trung Quốc đã “tự vẽ” ra cái gọi “đường lưỡi bò” rất mơ hồ để khẳng định chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, xét về yếu tố luật pháp, tại phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trước đây (một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982) đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Mặc dù, Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Vì vậy, xét về yếu tố lịch sử và luật pháp quốc tế, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra là vô giá trị.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc với sự hộ tống của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của nước ta (nguồn HK01/TT)

Từ khi thành lập Liên Hiệp quốc đến nay, theo quy định của tổ chức này tất cả những công ước về luật pháp do tổ chức này thông qua và được các thành viên biểu quyết thì mỗi thành viên phải tuân thủ đúng những gì quy định. Với Công ước UNCLOS 1982, Trung Quốc cũng là thành viên, song lại không thực hiện đúng những gì mà Công ước đã quy định. Điều này, để pháp luật được thượng tôn, cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải tuân thủ.

Còn xét về mặt lịch sử, luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ bằng chứng, căn cứ pháp lý chứng minh vùng biển thuộc bãi Tư Chính là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bất luận hành động nào của phía bên ngoài liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, thăm dò địa chất, hoạt động dưới đáy biển và rạn san hô là vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với lãnh thổ Việt Nam.

L. Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khang-dinh-quyen-chu-quyen-bat-kha-xam-pham-93992.html