Khẳng định quan điểm không khoan nhượng với ma túy

Phiên họp thứ 63 của Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (gọi tắt là CND) khai mạc vào ngày 2/3 với lời kêu gọi tăng cường các biện pháp ứng phó đối với vấn đề ma túy thế giới.

 Phiên họp thứ 63 của Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc

Phiên họp thứ 63 của Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc

Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định ủng hộ quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Giám đốc điều hành Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) Ghada Waly nhấn mạnh: "Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều phải đối mặt với những thách thức và bối cảnh riêng biệt, nhưng chúng ta cùng ngồi lại họp bàn để tìm kiếm và mở rộng điểm chung, qua đó đưa ra các biện pháp hiệu quả".

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy toàn cầu, trong đó có các tổ chức Liên Hợp Quốc, đặc biệt là CND, UNODC. Việt Nam tái khẳng định 3 Công ước của Liên Hợp quốc về kiểm soát ma túy, Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động phòng, chống ma tuy túy năm 2009, Văn kiện UNGASS 2016 và mới đây là Tuyên bố Bộ trưởng năm 2019 là các văn kiện nền tảng trong xây dựng chính sách phòng chống ma túy toàn cầu.

Trong công tác phòng, chống ma túy trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp: Giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra.

Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống ma túy năm 2000 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách tầm vĩ mô với những mục tiêu dài hạn như Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư có trọng điểm vào các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt các nước có chung đường biên giới thông qua việc triển khai các đợt cao điểm về tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy; phối hợp xác lập và điều tra chuyên án đấu tranh chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia, nhằm triệt phá toàn bộ đường dây phạm tội ma túy.

Trước xu hướng hợp pháp hóa ma túy và kiến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đưa cần sa và các chiết xuất từ cần sa ra khỏi danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định ủng hộ với quan điểm của ASEAN và nhiều nước về thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy; khẳng định chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước.

Trong thời gian tới, Việt Nam kiến nghị các quốc gia thành viên, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thực hiện cân bằng các biện pháp giảm cung, giảm cầu; tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nguyên tắc không can thiệp nội bộ trong giải quyết vấn đề ma túy, phù hợp với các văn kiện nền tảng của Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy.

Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ cho các nước trên thế giới nói chung, khu vực Châu Á, các nước ASEAN và Việt Nam nói riêng trong thực hiện các Chiến lược, Chương trình mục tiêu và Kế hoạch hành động của quốc gia về phòng, chống ma túy, hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của các Công ước phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy; đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm, giảm cầu và cai nghiện ma túy.

Theo Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, các chương trình, khuôn khổ hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy của khu vực cần được xây dựng, thiết kế đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với tình hình của khu vực và khả năng nguồn lực; đồng thời gắn kết các cơ chế hợp tác khu vực hiện có với các nỗ lực chung của thế giới và các khu vực khác; khuyến khích các hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia thành viên.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra các phiên thảo luận, các sự kiện bên lề với các vấn đề như: Cải thiện việc thu thập và phân tích dữ liệu để tăng cường các biện pháp ứng phó dựa trên bằng chứng đối với vấn đề ma túy thế giới; thanh niên trong nỗ lực phòng chống ma túy; bảo đảm việc tiếp cận với các chất được kiểm soát vì mục đích y tế và khoa học; thúc đẩy sinh kế thay thế cho trồng cây thuốc phiện...

Phiên họp thứ 63 CND quy tụ hơn 1.100 đại biểu tham gia từ 131 quốc gia, vùng lãnh thổ, 17 tổ chức liên chính phủ, 97 tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng khoa học. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 6/3.

Theo Tiếng chuông

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/khang-dinh-quan-diem-khong-khoan-nhuong-voi-ma-tuy-4069024-l.html