Khẳng định lại Ngô Quyền - tổ trung hưng

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh, cần tái khẳng định Ngô Quyền là người nối lại quốc thống, trở thành ông tổ trung hưng nước ta.

Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm-một trong hai công trình gắn với Ngô Quyền ở quê hương Ảnh: TOAN TOAN

Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm-một trong hai công trình gắn với Ngô Quyền ở quê hương Ảnh: TOAN TOAN

TỔ TRUNG HƯNG

Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng vương định đô tại Cổ Loa (939-2019) do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội có tên gọi “Ngô Quyền và sự nghiệp Trung hưng đất nước” ngày 25/3, thu hút nhiều giáo sư đầu ngành, nhà nghiên cứu lịch sử khảo cổ và văn hóa.

TS Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội gợi mở nội dung cần làm rõ như thân thế và sự nghiệp Ngô Quyền, ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Bạch Đằng và cuộc xưng vương định đô ở Cổ Loa, đề xuất phát huy di sản liên quan đến Ngô Quyền.

“Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương là chung đúc của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc của dân tộc, là bước tiếp nối và nâng tầm trận chung kết lịch sử Bạch Đằng toàn thắng, đánh dấu một bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nói.

Các nhà sử học từ thời Lê Văn Hưu cuối thế kỷ XIII, đến Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Ngô Thì Sĩ thế kỷ XVIII, Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX, GS Phan Huy Lê cuối thế kỷ XX cũng như hầu hết nhà sử học trong ngoài nước đều đồng nhất quan điểm đánh giá công lao của Ngô Quyền gắn với trận Bạch Đằng. “Chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở của việc phục hồi quốc thống. Về sau thời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào dư âm lẫm liệt của trận ấy. Võ công lớn ấy còn vĩ đại đến nghìn năm, chứ có phải chỉ rạng rỡ một thời mà thôi đâu”, trích Đại Việt sử ký tiền biên.

Chiến thắng Bạch Đằng là chiến công vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn vì đã chấm dứt cả thời Bắc thuộc hơn nghìn năm, đưa dân tộc vượt qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo của hơn 10 thế kỷ bị phong kiến Trung Quốc đô hộ… Không có Ngô Vương Quyền thì không có Đinh Tiên Hoàng, không có chiến thắng Bạch Đằng thì không có nước Đại Cồ Việt”. Cố GS Phan Huy Lê

“Thế nhưng gần đây có người vì muốn đẩy Đinh Tiên Hoàng lên vị trí thứ hai sau quốc Tổ vua Hùng thay vị trí Ngô Quyền. Họ lập luận, Đinh Bộ Lĩnh mới có nhà nước đầy đủ, hoàn chỉnh, còn Ngô Quyền xưng vương chỉ mới là khẳng định sự độc lập về chính trị “nhưng một quốc gia với đầy đủ quốc danh, cương vực mà hệ thống chính quyền các cấp là hoàn toàn chưa có”. Họ không thể không đề cao chiến thắng Bạch Đằng, nhưng chỉ coi là chiến thắng về mặt quân sự, mà không cần biết chính nó mới là cơ sở quyết định nối lại quốc thống đã mất, không xem sự nghiệp mở nước xưng vương của Ngô Quyền là kết quả tất yếu, là sản phẩm của trận đánh lịch sử nghìn năm có một”, GS Nguyễn Quang Ngọc phân tích.

Nhà sử học Lê Văn Lan đồng tình, cho rằng những ai định “đẩy” vai trò của Đinh Tiên Hoàng lên trước Ngô Quyền là sai lầm. Sinh thời, GS Phan Huy Lê lưu ý không được phép quên hay hạ thấp vai trò của chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Ông viết: “Riêng ngày thành lập nước Đại Cồ Việt năm 968 theo tôi không thể tách khỏi ngày chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938.

Chiến thắng Bạch Đằng là chiến công vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng to lớn vì đã chấm dứt cả thời Bắc thuộc hơn nghìn năm, đưa dân tộc vượt qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo của hơn 10 thế kỷ bị phong kiến Trung Quốc đô hộ… Không có Ngô Vương Quyền thì không có Đinh Tiên Hoàng, không có chiến thắng Bạch Đằng thì không có nước Đại Cồ Việt”, vì vậy tôn vinh phải công bằng.

XÂY ÐỀN NGÔ QUYỀN Ở CỔ LOA

Thống nhất quan điểm về công trạng hiển hách của Ngô Quyền, các nhà khoa học đồng thời nêu thực trạng ở Cổ Loa-nơi Ngô Quyền xưng vương và định đô, lại chưa có công trình thờ phụng.

PGS.TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội điểm qua các di tích thờ Ngô Quyền lớn ở Hà Nội là đền và lăng Ngô Quyền (Đường Lâm), đền Thượng Tiết thờ Ngô Quyền (huyện Mỹ Đức). “Khi đến thăm di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa với dấu tích ba vòng thành và các di tích đền, đình, miếu, am chúng ta rất ngạc nhiên và bùi ngùi không thấy di tích về Ngô Vương Quyền. Vì nguyên nhân nào lại có khiếm khuyết lịch sử như vậy?”, ông nói. Ông cho rằng thời đại Hồ Chí Minh cần khắc phục thiếu sót lịch sử này-cần sớm tạo dựng công trình lịch sử văn hóa về Ngô Quyền.

Công lao của Ngô Quyền được nhân dân nhiều nơi lập đền tưởng nhớ. Ngoài Đường Lâm có 50 địa phương khác nhau lập đền thờ, trong đó riêng Hải Phòng-mảnh đất gắn với chiến thắng Bạch Đằng có hơn 30 di tích (có thống kê còn lên tới 60 di tích). Trong hội thảo khoa học năm 2014, GS Vũ Khiêu đề xuất phải xây dựng công trình xứng tầm với công lao của Ngô Quyền ở Cổ Loa.

GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết Hội đồng tư vấn khoa học kiến nghị với UBND TP Hà Nội về việc cần sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa. Được biết lãnh đạo thành phố giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội nghiên cứu, tiến tới xây dựng công trình này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh nói, dù chưa có công trình tưởng nhớ Ngô Quyền ở Đông Anh nhưng trong tâm thức người dân luôn ý thức về công lao của Ngài. “Chúng tôi cũng đau lòng lắm, bởi ở nhiều nơi đều có đền thờ Ngô Quyền, riêng Cổ Loa lại chưa có. Chúng tôi mong có công trình tưởng niệm xứng đáng tôn vinh Ngô Quyền, tôn vinh vùng đất Cổ Loa”, lãnh đạo huyện nói.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng việc xác định vị trí xây dựng cần chờ quy hoạch chi tiết khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Ông khẳng định trên mảnh đất Cổ Loa có đền thờ An Dương Vương-khởi dựng nhà nước Âu Lạc, rồi mất nước vào tay phong kiến phương Bắc; Ngô Quyền đã lấy lại độc lập tự chủ, lấy lại quốc thống. Nay có thêm đền thờ Ngô Quyền là điều cực kỳ trọng đại, tuyệt đối đúng chủ trương và mang tầm vóc quốc gia.

Khẳng định thân thế Ngô Quyền

Ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam khẳng định quê hương bản quán của Ngô Quyền thuộc Thanh Hóa, không phải Đường Lâm (Hà Nội). Thông tin sai lệch này lập tức được các nhà khoa học như GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Nguyễn Minh Tường phản bác, đồng thời đưa ra dẫn chứng thuyết phục. Theo đó, Ngô Quyền sinh năm 898 trong gia đình đời đời quý tộc, có truyền thống yêu nước và chống giặc phương Bắc. Cha ông là Ngô Mân làm châu mục châu Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Đến năm 932 Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ mời về làm tướng, tin yêu gả con gái cho. Các nhà khoa học dẫn ra nhiều sử liệu về quê quán của Phùng Hưng, Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/khang-dinh-lai-ngo-quyen-to-trung-hung-1393345.tpo