Khẳng định giá trị thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn về định giá thương hiệu quốc gia (THQG) Brand Finance, THQG Việt Nam năm 2020 được định giá 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019. Điều này có được là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hỗ trợ kinh tế, cải cách thể chế của Chính phủ trong nhiều năm qua giúp cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng phát triển.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban Thường trực, Ban thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho biết, thông qua Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, coi như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN.

“Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, năm 2019, giá trị xuất khẩu của các DN có sản phẩm đạt THQG đã xuất khẩu hàng hóa với giá trị gần 123.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,3 tỷ USD) tăng 203% so với năm 2016 (đạt mức 60.000 tỷ đồng); các DN này đã tạo việc làm cho trên 350.000 lao động, nộp NSNN đạt trên 197.000 tỷ đồng, kinh phí tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện đạt trên 9.500 tỷ đồng”, ông Chiến cho biết. Cũng theo ông Chiến, khi DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao. Khi một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Cộng đồng DN Việt Nam cần vươn tới những giá trị thương hiệu mới, từ đó chủ động nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Ảnh tư liệu

Cộng đồng DN Việt Nam cần vươn tới những giá trị thương hiệu mới, từ đó chủ động nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu, chưa xây dựng được thương hiệu. Dù Việt Nam đang là nước có thế mạnh, đứng đầu về xuất khẩu nông sản, thủy sản với các sản phẩm chủ lực như gạo, cà-phê, hồ tiêu,... nhưng lại chưa có một thương hiệu nông sản xứng tầm để cạnh tranh quốc tế. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài với sản lượng rất lớn, chất lượng sản phẩm rất tốt, thế nhưng thực tế giá trị mà DN Việt thu về lại không nhiều. Nguyên nhân là sản phẩm của DN Việt Nam xuất khẩu phần lớn dưới dạng thô, sơ chế, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian hoặc qua một thương hiệu của đối tác thương mại khác ở nước ngoài.

Hệ quả là bản thân người tiêu dùng nước ngoài cũng không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Nhiều DN lo tốn kém, lãng phí, cho rằng xây dựng thương hiệu chỉ phù hợp với những DN lớn. Tư duy này khiến nhiều thương hiệu Việt Nam bị lép vế, yếu thế hơn so thương hiệu nước ngoài có sản phẩm cùng hình thức, chất lượng và giá cả. Một khảo sát của Bộ Công thương cũng cho thấy hơn 20% số DN được khảo sát có sự đầu tư xây dựng thương hiệu, 80% số DN chưa quan tâm, không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Đã đến lúc các DN cần phải nhìn nhận và dành sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, giữ vững và phát triển THQG. Đây là việc làm cấp bách và cần có kế hoạch lâu dài, nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cần sự đồng thuận và nỗ lực của cả cộng đồng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Cùng với đó, cần có những hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, DN bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế để DN tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng xuất khẩu.

Với những thành công của mỗi sản phẩm, DN sẽ góp phần tăng giá trị cho THQG Việt Nam, giúp hàng Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế. “Khi con số DN có sản phẩm đạt THQG tăng cao qua các thời kỳ có nghĩa là số lượng các thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao. THQG Việt Nam sẽ càng có cơ hội vươn mình cùng sánh vai với thương hiệu quốc gia của các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Chiến khẳng định.

Brand Finance là hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London (Anh). Hãng thành lập năm 1996, hiện hoạt động tại hơn 20 quốc gia. Hàng năm, Brand Finance công bố nhiều báo cáo, từ xếp hạng thương hiệu bất động sản, viễn thông, đồ chơi, CLB bóng đá đến thương hiệu riêng của từng quốc gia.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khang-dinh-gia-tri-thuong-hieu-quoc-gia-222612.html