Khẳng định đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc

Sáng 21-12, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc' nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên

Hội thảo đã tôn vinh và tổng kết những bài học từ những đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách một nhà yêu nước vĩ đại, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp sáng ngời trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” chắc chắn là một đề tài nghiên cứu khoa học rất rộng, khó và lớn”

“Tuy nhiên, có lẽ đóng góp lớn nhất của Đại tướng cho văn hóa dân tộc chính là ở nhân cách văn hóa cao đẹp của Người. Đó là một người cộng sản trong như ánh sáng, rất mực yêu nước thương dân, thực sự suốt đời dĩ công vi thượng. Đó là một tổng tư lệnh đại trí đại dũng biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Đó là một tướng bách chiến bách thắng nhưng luôn khoan hòa khiêm cung. Đó là vị khai quốc công thần khi bị đối xử bất công, bị cố ý lãng quên vẫn thanh thản, kham nhẫn, giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực. Đại tướng đã cho mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân Việt Nam một tấm gương sáng để sọi mình” - Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm sáng rõ 3 nội dung lớn gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng quân sự Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ.

Tham luận tại hội thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lúc nào cũng nghĩ đến dân. Ông kể một kỷ niệm tại lễ cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm nơi thành lập Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân, Đại tướng đã nói với ông: “Xây dựng tượng đài kỷ niệm là rất tốt để giáo dục cho các thế hệ say này, nhưng các đồng chí cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống của nhân dân, đừng để dân phải khổ, phải đói, phải lo lắng cho dân nhất là nhân dân các dân tộc vùng biên giới, có vậy dân mới tin Đảng, tin Chính phủ, dân mới làm theo”.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương sáng ngời về thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh”. Ông kể lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người phát hiện hang Cốc Bó bị quân lính Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập nóc hang trong cuộc chính tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 2005, chính Đại tướng yêu cầu Bộ Tư lệnh Công binh khôi phục lại nguyên trạng lại hang này.

Trong tham luận gửi hội thảo, Thượng tướng, Viện sĩ, TS khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng, về đạo đức cách mạng. Không chỉ là viên ngọc sáng của chiến tranh cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là hiện thân của sự khiêm nhường và một tấm lòng nhân ái, mở rộng".

Tại hội thảo, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày một số tài liệu, hiện vật mới về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khang-dinh-dong-gop-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-van-hoa-dan-toc/