Khẳng định chất lượng, tạo niềm tin cho sản phẩm thủy sản

Nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng tăng, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực là cơ hội lớn cho sản phẩm thủy sản nước ta. Tuy nhiên, kéo theo đó là yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng khắt khe. Và việc đăng ký cấp mã số, giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho các hộ nuôi thủy sản là một trong những giải pháp đáp ứng các yêu cầu vừa đề cập.

Nuôi cá tra tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Nuôi cá tra tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước đã cấp mã số cho 5.408 ao nuôi của 1.097 cơ sở nuôi cá tra, 2.440 cơ sở nuôi tôm nước lợ và 230 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký nuôi thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè đến người dân còn chậm. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay thành phố chưa có cơ sở được cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè do hầu hết các hộ nuôi không có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản; giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...). Ðối với việc cấp giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, nhiều hộ vẫn chưa tiến hành đăng ký cấp giấy do chưa có nhu cầu (sản phẩm làm ra tiêu thụ trong nước, thị trường nhập khẩu chưa yêu cầu...).

Nhiều địa phương phản ánh, đa số hộ nuôi thủy sản dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục đăng ký nuôi thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè. Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong công tác triển khai đăng ký cấp giấy xác nhận là phần lớn các hộ nuôi thủy sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất lúa, đất vườn, đất trồng cây lâu năm,... mặc dù đã nuôi trồng thủy sản thời gian dài và thuộc khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Nếu căn cứ theo quy định về hồ sơ thì không thể thực hiện công tác cấp giấy xác nhận đối tượng nuôi thủy sản chủ lực.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đến nay, Chi cục đã tiếp nhận được 1.525 hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Trong đó, có 16 hồ sơ đăng ký là công ty và 1.509 hồ sơ là cơ sở nuôi nhỏ lẻ. Qua thẩm định, có 1.504 hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Thực tế cho thấy, vướng mắc lớn nhất khi triển khai công tác này là các hộ nuôi nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lưu tại nhà, không chính chủ và không có hợp đồng thuê đất dài hạn...

Gỡ nút thắt

Từng bước tháo gỡ những nút thắt nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định 26/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt thủ tục đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực và nuôi thủy sản lồng bè. Theo bà Quách Thị Thanh Bình, số lượng cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh khá nhiều và chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, để triển khai quy định mới, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức của người dân, để họ hiểu sản xuất hàng hóa thì phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Khâu đăng ký và cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải cần được đơn giản hóa, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: Chúng tôi tiếp tục thành lập đoàn công tác phối hợp với các địa phương trực tiếp hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản về hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi thủy sản. Ðồng thời, kiến nghị xem xét hồ sơ cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực đối với những hồ sơ đăng ký trong đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mục đích là đất lúa, đất vườn, đất trồng cây lâu năm nhưng thực tế đã nuôi trồng thủy sản và thuộc khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, có thể phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện việc cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (không bao gồm đối tượng thủy sản lồng bè) để công tác triển khai được nhanh chóng và hiệu quả.

Tại Hội nghị “Ðánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại ÐBSCL” vừa diễn ra mới đây, ông Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: Chúng tôi tiếp tục rà soát và triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Ðồng thời, tham mưu cho Bộ NN&PTNT có kế hoạch lập bản đồ điện tử tất cả mã số cơ sở để việc quản lý thêm thuận lợi. Về phía địa phương, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản và nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan… Bởi việc đăng ký và cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là một trong những thủ tục giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu, từ đó nâng cao thương hiệu của thủy sản Việt Nam”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/khang-dinh-chat-luong-tao-niem-tin-cho-san-pham-thuy-san-a126179.html