Khẳng định, bồi đắp niềm tin

Trong vòng một tháng (từ 27-6 đến 26-7), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 2 kỳ họp, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có 2 thượng tướng, 7 trung tướng quân đội, công an, 2 nguyên chủ tịch của hai tập đoàn lớn, cùng không ít cán bộ, đảng viên có chức quyền khác. Đây là những thông tin vừa vui, vừa buồn.

Vui vì những sai phạm, cá nhân làm sai đã bị phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định. Buồn vì những hành vi sai phạm của các vị cán bộ cấp cao mới bị đưa ra ánh sáng này cùng với những trường hợp bị kỷ luật trước đó - đã làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, gây trăn trở trong tâm tư, tình cảm không ít người. Nhưng sau niềm vui, nỗi buồn, vượt trên tất cả là niềm tin vào Đảng sẽ được bồi đắp sau những quyết định nghiêm khắc, khẳng định không có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Việc không ít đảng viên, cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật thực ra cũng không có gì bất ngờ. Bởi lẽ, họ đã không thực hiện đầy đủ, đúng trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Họ đã vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà cố ý vi phạm các nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật. Làm sai - phải bị xử lý, kỷ luật là tất yếu!

Nhìn lại những diễn biến sau Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là từ Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đến nay, càng có căn cứ, cơ sở để củng cố niềm tin, cùng Đảng quyết tâm chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó không chỉ là hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được đưa ra xét xử như: Vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; các vụ đại án trong lĩnh vực ngân hàng;…

Gần đây là vụ án liên quan tới Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”; Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”. Đó còn là nhiều quan chức cấp cao đã về hưu mà không thể “hạ cánh an toàn”, bị cách chức vụ trong Đảng, chính quyền do những sai phạm trong quản lý kinh tế, công tác tổ chức cán bộ,…

Đảng đã khẳng định, thể hiện rõ quyết tâm cắt bỏ “ung nhọt” trong cơ thể. Việc một số vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các tướng lĩnh quân đội, công an và cả cán bộ cấp cao đương chức bị kỷ luật nghiêm khắc về Đảng, chính quyền là minh chứng rõ nét khẳng định không có “vùng cấm” trong công tác xử lý kỷ luật vi phạm.

Người dân không thể không vui mừng, ủng hộ, tin tưởng vào Đảng, khi Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề nội tại, đề ra những giải pháp hết sức cụ thể, không né tránh, cương quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, cố tình làm trái vì nhóm lợi ích.

Và nhìn rộng hơn, sâu hơn - công việc này chính là góp phần quan trọng để phòng, chống những hạn chế, yếu kém trong Đảng hiện nay - một vấn đề cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngày 16-1-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TƯ về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó đề ra 4 nhóm giải pháp để xử lý vấn đề.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Nghị quyết này đã tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện các nghị quyết, giải pháp tiếp theo của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. So với Nghị quyết số 12-NQ/TƯ, Nghị quyết số 04-NQ/TƯ không chỉ kế thừa mà còn cụ thể, chi tiết hơn rất nhiều. Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

“Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Chưa có cơ chế khen thưởng những tập thể, cá nhân tổ chức thực hiện nghị quyết sáng tạo, có hiệu quả và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc… Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức”. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Với quan điểm “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đảng đề ra 4 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể xây dựng, chỉnh đốn.

Nhìn lại những kết quả phòng, chống tham nhũng, xử lý kỷ luật trong Đảng mấy tháng qua hay dài hơn là mấy năm qua, dễ thấy Đảng ta, Nhà nước ta đã có quan điểm, giải pháp rất rõ ràng, triển khai thực hiện rất quyết liệt và tạo được kết quả rõ nét; góp phần khẳng định, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ.

Nhưng không chỉ có vậy. Cùng với "chống" là "xây". Những năm gần đây, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong bộ máy của hệ thống chính trị. Qua đó, dần sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy tổ chức các ngành, các cấp. Đặc biệt, mới đây là nghị quyết quan trọng về nhân tố "then chốt của then chốt" - Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.

Không chỉ “trị bệnh”, Đảng đã, đang chuẩn bị kỹ lưỡng để vun cho “cái gốc” thật vững. Và thêm một lần nữa - niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ được nhân lên!

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suy-ngam/909290/khang-dinh-boi-dap-niem-tin