Khẳng định bản thân với thương hiệu giày cá nhân

Lê Vĩnh Đạt (năm thứ ba, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM ) là người sáng lập - chủ sở hữu thương hiệu giày da thủ công Việt Nam mang tên VINDI Shoemaker.

“Mình không chọn nghề, nghề chọn mình”

Vào cuối năm 2018, Vĩnh Đạt xin làm cộng tác viên cho một thương hiệu giày da công nghiệp. Tại đây, anh có cơ hội tiếp xúc nhiều với giày da nên đam mê cũng lớn dần từ đó. Đầu năm 2019, anh chia sẻ với gia đình về đam mê của mình và ngỏ ý xin một khoản vốn để làm ăn thử. Lúc đầu, Vĩnh Đạt nhập giày da công nghiệp từ xí nghiệp về bán. Vì nhập từ nguồn về bán, sản phẩm giống nhau trên thị trường khá nhiều đã dẫn đến việc khó bán đối với một thương hiệu mới mở như của anh. Đạt tâm sự: “Lúc này, mình mới bắt đầu nghĩ đến việc phải tạo dựng một thương hiệu giày da riêng. Trong đó, mình sẽ lo từ thiết kế họa tiết, form dáng, chất liệu cho đến kĩ thuật làm giày. Khi tìm hiểu sâu hơn, mình bị thế giới giày da thủ công cao cấp dành cho giới trung và thượng lưu “hớp hồn”. Từ đó, mình mê nghề này luôn. Có một điều khá thú vị là ngày sinh tính theo Âm lịch của mình lại trùng với ngày Giỗ tổ ngành giày da Việt Nam, nên mình vẫn nói vui với bạn bè là nghề chọn mình!”.

Sản phẩm giày da thủ công do thương hiệu VINDI Shoemaker của Vĩnh Đạt thiết kế.

Trước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu mang dấu ấn cá nhân, Vĩnh Đạt đã trang bị cho bản thân kiến thức về các mẫu giày, các loại da; kiến thức về tạo last giày cho từng mẫu mã và loại hình bàn chân; kiến thức về thiết kế rập khuôn, thiết kế họa tiết...

Vì Đạt theo học chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp, việc phải trang bị thêm cho mình các kiến thức về sales, marketing, tài chính, xử lý các vấn đề nhà xưởng, hàng tồn kho... là điều kiện thiết yếu.

Dần dần khẳng định thương hiệu

Đẳng cấp và sang trọng là hai tiêu chí đầu tiên mà những đôi giày tại VINDI Shoemaker mong muốn hướng tới. Bên cạnh chất liệu da được nhập khẩu tại Ý, Pháp… các chi tiết trên một đôi giày da thủ công hầu như được làm hoàn toàn bằng tay nên rất tỉ mỉ và có độ hoàn thiện cao.

Một sản phẩm giày da cá tính dành cho những người có ngoại hình cao lớn mà thương hiệu VINDI Shoemaker của Vĩnh Đạt thiết kế.

Quá trình để biến nguyên vật liệu ban đầu trở thành những sản phẩm hoàn chỉnh cần đến 100 công đoạn lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, 5 công đoạn được xem như cơ bản phải kể đến là: Pha da, may mũ giày, gò mũ giày vào last giày, làm đế và gót, làm đẹp và hoàn thiện. Đạt chia sẻ: “Mỗi công đoạn đều có những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe riêng. Chẳng hạn, công đoạn may mũ giày bắt buộc người thợ phải lành nghề và quen tay với chiếc máy may. Điều này giúp cho đường may mũi chỉ được trau chuốt, hơn hết là không bị lệch đường may hay bỏ mũi, đứt chỉ khi may. Còn như công đoạn gò mũ giày, người thợ phải có sức kéo mạnh, phải là người thợ có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng thực hiện trên nhiều loại da và hiểu được độ dãn của từng loại…”.

Tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu giày da của Vĩnh Đạt đã gặt hái được những thành công đáng nể như lọt vào top những thương hiệu giày da ở Việt Nam do các tạp chí thời trang ELLEMAN Việt Nam, Vietcetera, tạp chí thời trang dành cho giới trẻ Dosiin bình chọn. Sản phẩm của Đạt đã được các sao như Hieuthuhai, Manbo tin dùng. Đặc biệt thương hiệu VINDI của Đạt được đồng hành cùng rapper Táo về phần trang phục biểu diễn trong MV Blue Tequila.

Về dự định phát triển thương hiệu giày cá nhân, Đạt mong muốn: “Tầm nhìn của VINDI trong 5 - 10 năm tới là xây dựng cộng đồng yêu giày da thủ công Việt Nam. Qua đó, tụi mình có thể đưa giày da thủ công tới giới trẻ Việt Nam một cách rộng rãi hơn để các bạn biết được tay nghề của người thợ Việt Nam không thua kém các nước ngoài. Mình cũng mong các thương hiệu giày da Việt Nam nói riêng và thương hiệu thời trang Việt Nam nói chung hãy cùng nhau phát triển, cạnh tranh công bằng, quan tâm đến chất lượng sản phẩm để đẩy lùi hàng giả hàng kém chất lượng trong thị trường cũng như góp phần nâng tầm chất lượng sống cho người Việt Nam”.

Như Mai

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khang-dinh-ban-than-voi-thuong-hieu-giay-ca-nhan-post1340484.tpo