Khẩn trương thi công các công trình cấp thiết ở Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai một số dự án giao thông, thủy lợi có tính chất cấp thiết để phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân làm cho các dự án, công trình này bị chậm tiến độ, gây lãng phí, khiến nhân dân bức xúc.

Đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công mới giải phóng mặt bằng được gần 800 m trong tổng số 1,7 km.

Đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công mới giải phóng mặt bằng được gần 800 m trong tổng số 1,7 km.

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai một số dự án giao thông, thủy lợi có tính chất cấp thiết để phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân làm cho các dự án, công trình này bị chậm tiến độ, gây lãng phí, khiến nhân dân bức xúc.

Đê sông Công nối từ quốc lộ 3 vào ba thôn phía nam xã Trung Thành (thị xã Phổ Yên) như: Thu Lỗ, Cẩm Trà, Xuân Vinh, có hàng nghìn hộ dân sinh sống và sáu doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cám chăn nuôi... Hằng ngày có hàng trăm ô-tô tải trọng lớn, hàng nghìn lượt người đi lại trên mặt đê nhỏ hẹp, cho nên Chi cục Thủy lợi Thái Nguyên cảnh báo hạn chế ô-tô có tải trọng lớn đi lại để bảo đảm an toàn đê. Khắc phục vấn đề này và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương, cuối năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công từ quốc lộ 3 đến đê sông Công đoạn K4+900 thuộc thôn Thu Lỗ dài 1,7 km, chi phí xây dựng là 15 tỷ đồng, phần giải phóng mặt bằng do UBND thị xã Phổ Yên chịu trách nhiệm. Là tuyến đường được xây dựng mang tính cấp bách, nhưng đến nay mới đổ đất làm nền được gần 800 m rồi “đắp chiếu” bỏ đó, làm người dân bức xúc.

Mặc dù được phê duyệt lại từ năm 2015, nhưng hồ chứa nước Vân Hán, ở xã Văn Hán, công trình thủy lợi lớn nhất huyện Đồng Hỷ, có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng cũng trong tình trạng “đắp chiếu”. Đến nay đã xây dựng được hệ thống kênh dẫn, tràn xả lũ và các công trình phụ trợ, nhưng đập chắn dòng chưa thi công được, vì vậy cả công trình quy mô lớn không thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Trong khi đó, hơn 300 ha đất canh tác, trong đó có 120 ha lúa hai vụ, 50 ha cây trồng vụ đông, 70 ha chè, cây ăn quả, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, cải tạo môi trường sinh thái, cắt lũ hằng ngày, chờ công trình được đưa vào sử dụng.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ làm ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân, việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công là dự án cấp bách, người dân xã Trung Thành rất đồng thuận cho nên mặc dù chưa được bồi thường nhưng vụ mùa năm 2018, các hộ gia đình không cấy lúa để nhường đất cho tuyến đường. Giữa năm 2018 tuyến đường được khởi công rầm rộ, theo kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng sau sáu tháng, nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng và đổ đất làm nền được gần 800 m, nguyên nhân chủ yếu là UBND thị xã Phổ Yên không bố trí đủ vốn để giải phóng mặt bằng. Tương tự như vậy, lòng hồ Vân Hán có diện tích đất thu hồi là 39 ha, 45 hộ gia đình bị ảnh hưởng, chi phí giải phóng mặt bằng là 62 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư mới chỉ được bố trí 30 tỷ đồng cho nên từ năm 2017 đến nay, người dân địa phương kiên quyết ngăn cản việc thi công đập chắn dòng. Thời gian vừa qua Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ và chủ đầu tư đã nhiều lần đối thoại với các hộ vùng lòng hồ, nhưng nhận được yêu cầu là khi nào chi trả hết tiền bồi thường thì tiếp tục thi công công trình. Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện nay đang thiếu khoảng 32 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng dứt điểm hồ Vân Hán. UBND huyện Đồng Hỷ và chủ đầu tư đã có nhiều công văn báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên bố trí kinh phí chi trả bồi thường cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều công trình, dự án được ngân sách Trung ương hỗ trợ phần xây lắp, địa phương đối ứng giải phóng mặt bằng, nhưng vốn cho giải phóng mặt bằng được bố trí không đủ, không kịp thời cho nên dự án bị ách tắc, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều công trình khác đang bị hoặc có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu vốn, không giải phóng được mặt bằng. Các cấp, ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương rà soát từng dự án cụ thể, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đưa các công trình, dự án vào sử dụng đúng tiến độ, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

“Công ty chúng tôi có nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên. Công ty đã hỗ trợ địa phương kinh phí để giải phóng mặt bằng và đề nghị cơ quan chức năng sớm hoàn thành tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đê sông Công để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất”.

DƯƠNG NHƯ DUY Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Gia Phong

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/43615402-khan-truong-thi-cong-cac-cong-trinh-cap-thiet-o-thai-nguyen.html