Khẩn trương, thận trọng, không để sót, lọt đối tượng

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ, ngày 20-3-2017, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công (NCC) còn tồn đọng (Quyết định 408). Sau hơn một năm thực hiện Quyết định 408 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tăng cường công khai, minh bạch

Thực hiện Quyết định 408, Bộ LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Theo Quyết định 408, các cơ quan, tổ chức giải quyết hồ sơ tồn đọng được thành lập và kiện toàn từ Trung ương đến cấp tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường, thị trấn). Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; dân chủ, công khai, minh bạch; đặc biệt, khi xét duyệt hồ sơ ở cơ sở, phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, qua rà soát 12 nhóm đối tượng, có 28.500 trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách NCC, nhưng chưa được xác lập hồ sơ và công nhận; trong đó có người tự kê khai, có người mới cung cấp hồ sơ, hoặc có trường hợp người làm chứng đến kê khai hộ. Qua rà soát trong số 28.500 hồ sơ, có khoảng 5.900 hồ sơ kê khai cần được xem xét để xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh. Đây là điều trăn trở rất lớn đối với ngành LĐ-TB&XH và cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Chăm sóc thương, bệnh binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: SƠN HẢI.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để giải quyết dứt điểm vấn đề này cần nhiều thời gian, bởi chiến tranh đã qua mấy chục năm. Ngoài những hồ sơ, trường hợp đủ tiêu chuẩn đã được giải quyết, thì 5.900 hồ sơ nói trên hầu hết không có, hoặc không đủ hồ sơ, chứng cứ, hoặc người làm chứng không còn. Nếu không tìm cách làm mới, những "món nợ" này sẽ không bao giờ trả được. Khi thực hiện, quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân, lực lượng cốt cán là lão thành cách mạng, những người tham gia kháng chiến cùng thời kỳ với người hy sinh, bị thương. Đặc biệt, thực hiện chính sách theo hướng công khai, minh bạch; thông tin về hồ sơ xác nhận NCC phải được công bố rộng rãi ở khu dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch và đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Đến cuối năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi hơn 50.000 bằng Tổ quốc ghi công, làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận, cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.250 liệt sĩ... Kết quả đó mở ra hướng đi mới để giải quyết về cơ bản hồ sơ tồn đọng NCC.

Kiên trì, công tâm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Bắc Kạn là một trong 5 địa phương thực hiện thí điểm theo Quyết định 408. Theo đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện còn 1.027 đối tượng chưa được hưởng chế độ, chính sách (gồm người hoạt động kháng chiến thiếu giấy tờ; con của người hoạt động kháng chiến chưa đủ điều kiện được hưởng...). Qua rà soát, trong số đối tượng trên có khoảng hơn 300 hồ sơ NCC tồn đọng, số còn lại là con đẻ hoặc cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Quá trình thực hiện tại địa phương cũng phát sinh không ít vướng mắc, như việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn xác nhận quân nhân tham gia kháng chiến tại vùng bị quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học không còn các giấy tờ gốc; việc xem xét các chế độ, chính sách đối với thế hệ thứ ba của người trực tiếp tham gia kháng chiến trong vùng nhiễm chất độc hóa học như đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến. Xem xét sửa đổi, bổ sung một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐ-TBXH ngày 30-6-2016 của Liên Bộ Y tế, LĐ-TB&XH, hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ.

Một trong những vướng mắc khi giải quyết hồ sơ NCC hiện nay là ở khâu xác minh giấy tờ gốc và càng để lâu thì việc giải quyết càng khó khăn. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm gần đây, qua kiểm tra ở một số địa phương với khoảng 60.000 hồ sơ, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phát hiện gần 12.000 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm và khoảng gần 1.900 hồ sơ kết luận hưởng chế độ chính sách không đúng quy định. Vấn đề đặt ra với ngành LĐ-TB&XH là việc rà soát phải làm sao vừa không để sót những trường hợp NCC thực sự, đồng thời không để lọt các đối tượng không phải là NCC, nhằm trục lợi chính sách. Nhiều ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt là khi thiết lập hồ sơ phải làm rõ nhân chứng-người cùng hoạt động cách mạng với người đề nghị giải quyết hồ sơ tồn đọng. Nếu không đánh giá kỹ hồ sơ thì dễ bị để sót, lọt đối tượng NCC trong quá trình giải quyết. Những chứng cứ chưa đạt yêu cầu thì phải sưu tầm, thẩm định thêm cho chắc chắn và chính quyền các cấp phải cùng vào cuộc.

Giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC với cách mạng là công việc lớn và hệ trọng, rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, công tác xác nhận đòi hỏi phải rất kiên trì, công tâm và công khai, minh bạch. Theo nguyên tắc, việc giải quyết các trường hợp công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh phải dựa trên hồ sơ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có hồ sơ, hoặc nếu có thì hồ sơ thiếu giấy tờ xác thực; rồi một số trường hợp liệt sĩ có tên trong bia mộ, bảng vàng Tổ quốc ghi công, được phụng thờ nhiều năm, nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ... Không ít hồ sơ tồn đọng từ nhiều năm; tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ, hoặc không còn, nên các địa phương cần khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau để xác minh. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại tại các nhà tù của địch trước đây, hoặc từ những tài liệu, sổ sách, nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Nhiều địa phương, như: Hà Nội, An Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh... phải tổ chức họp hoặc xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ. Để công nhận liệt sĩ, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị và địa phương; những hồ sơ còn có điểm chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận…

Từ nhiều năm nay, do vướng mắc về cơ chế, chính sách, dẫn đến việc khó giải quyết dứt điểm việc xác định đối tượng NCC. Do vậy, Quyết định 408 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH là cơ chế đặc biệt về chính sách để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể đã thiết lập hồ sơ đúng quy định. Chủ trương đã có, nhưng nếu đội ngũ cán bộ làm chính sách của Trung ương, địa phương, nhất là các cấp cơ sở không thực sự tận tâm, trách nhiệm, với tấm lòng tri ân, “đền ơn đáp nghĩa”, thì số hồ sơ tồn đọng rất khó giải quyết đúng chế độ, chính sách, đúng đối tượng và dứt điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng, hành vi lợi dụng để trục lợi chính sách, rất cần sự vào cuộc của cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở thông qua việc phát huy vai trò giám sát; tăng cường công khai chế độ chính sách của Nhà nước và cung cấp đường dây nóng, địa chỉ cơ quan chức năng… để nhân dân, nhất là các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo đơn vị, địa phương qua các thời kỳ; các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… cung cấp thông tin và tham gia xác nhận hồ sơ tồn đọng đối với NCC.

ĐÔNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khan-truong-than-trong-khong-de-sot-lot-doi-tuong-541893