Khẩn trương phòng, chống sạt lở bờ sông Sài Gòn

Trên địa bàn thành phố hiện có 37 vị trí sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với khoảng 1.222 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại 37 vị trí sạt lở này đang được triển khai thực hiện 35 dự án kè phòng, chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư. Các chủ đầu tư đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân theo quy định. Tháng 2-2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Cụ thể, di dời bố trí khẩn cấp 1.294 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm hoặc đặc biệt nguy hiểm vào các điểm dân cư hiện hữu hay khu tái định cư tập trung trên địa bàn các quận, huyện gồm: quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ; tổng vốn đầu tư giai đoạn 2014 - 2016 là 145,9 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách thành phố. Đến nay, đã thực hiện di dời 392 hộ; thực hiện chính sách di dời, đền bù, tái định cư… theo các dự án được phê duyệt với 902 hộ.

Kết quả kiểm tra của cơ quan liên ngành xác định trên địa bàn thành phố hiện còn 37 vị trí sạt lở, trong đó có 18 vị trí được xếp loại nguy hiểm và 19 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, huyện Nhà Bè tập trung nhiều nhất với 11 vị trí sạt lở đã công bố trong năm 2018 và một vị trí mới phát sinh thêm trong năm nay được xếp loại nguy hiểm (bờ phải rạch Giồng, từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4 thuộc xã Hiệp Phước).

Ngoài năm vị trí sạt lở cũ, huyện Cần Giờ phát sinh thêm hai vị trí sạt lở mới, trong đó một vị trí sạt lở mức độ bình thường và một vị trí sạt lở mức độ nguy hiểm (bờ phải rạch Mốc Keo, khu dân cư An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp). Ngoài ba vị trí sạt lở cũ phát hiện trong năm 2018, quận Bình Thạnh phát sinh thêm một vị trí sạt lở mới (bờ phải sông Sài Gòn, từ ngã ba kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn về phía hạ lưu 550 m) mức độ nguy hiểm. Các vị trí sạt lở còn lại tập trung tại quận 2 (năm vị trí), Thủ Đức (bốn vị trí), quận 8 (một vị trí), huyện Bình Chánh (ba vị trí), huyện Hóc Môn (hai vị trí).

Tại 37 vị trí sạt lở, thành phố đã lập 35 dự án kè phòng, chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư; tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm. Tính đến tháng 9-2019, tại 37 vị trí sạt lở mới có một dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; 22 dự án đang triển khai thi công; sáu dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng; sáu dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ.

Lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thừa nhận, số điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm chưa được kéo giảm đáng kể, sạt lở bờ sông vẫn tiếp tục đe đọa an toàn tính mạng và đời sống người dân tại các khu vực xung yếu. Đáng chú ý, một số dự án kè trong quá trình lập hồ sơ dự án, chủ đầu tư chưa khảo sát đánh giá đầy đủ về địa hình, địa chất, thủy văn dẫn tới đề xuất phương án thiết kế kỹ thuật không bảo đảm an toàn, ổn định cho công trình. Nhiều dự án kè chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch thi công chưa đạt tiến độ đề ra do gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến không có mặt bằng để triển khai thi công khiến tiến độ kéo dài như dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, dự án xây dựng kiên cố tuyến kè bảo vệ khu dân cư ấp Bình Mỹ… Nhiều dự án kè sau khi đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác và duy tu, sửa chữa nên một số hạng mục công trình nhanh xuống cấp, một số đoạn bị sụt lún mái kè, hở hàm ếch, hư hỏng không bảo đảm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, ngăn triều cường, bảo vệ an toàn khu dân cư.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ sông của 101 dự án đầu tư xây dựng, nhà ở nằm dọc sông Sài Gòn. Thời gian kiểm tra từ ngày 16-12-2019 đến ngày 3-1-2020. Theo kế hoạch, Sở Xây dựng thành phố sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng, nhà ở dọc sông Sài Gòn đi qua các quận, huyện như: 1, 2, 4, 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn. Đoàn kiểm tra sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đề xuất giải pháp chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn tại các dự án. Kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo UBND thành phố vào ngày 17-1-2020.

Đối với loại sông, kênh, rạch ở các cấp độ, thì chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ (tính từ mép bờ cao vào phía bờ) mỗi bên là 50 m. Mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc những hành vi gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng trên địa bàn đều bị nghiêm cấm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42637802-khan-truong-phong-chong-sat-lo-bo-song-sai-gon.html