Khẩn trương khôi phục sản xuất nhằm đáp ứng đủ nguồn cung cho Tết Nguyên đán

Hiện nay, trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặc biệt quan tâm để giúp người dân miền Trung khắc phục thiệt hại và tái thiết sản xuất sau mưa lũ, nhằm có đủ nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu Tết Nguyên đán.

Tranh thủ gieo trồng rau màu trên những diện tích có thể gieo trồng được

Báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, thống kê tại các địa phương đến thời điểm hiện tại cho thấy, ảnh hưởng của mưa, bão đã làm thiệt hại xấp xỉ 2.227 ha lúa, trong đó, khoảng 1.615 ha bị thiệt hại trên 70%. Đối với diện tích cây hằng năm khác, bị ảnh hưởng khoảng 13.601 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% khoảng 10.709 ha.

Với cây công nghiệp và cây ăn quả, tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 6.830 ha. Đáng chú ý, ảnh hưởng của mưa bão đã làm tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng 2.624 ha. Trong đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích đất bị vùi lấp do đất đá, bèo và rác thải xấp xỉ 500 ha. Tại Quảng Trị, diện tích bị vùi lấp 1.704 ha, trong đó có 266 ha trước mắt không thể khôi phục được.

Bên cạnh đó, lượng giống dự trữ trong dân để chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 đã bị hư hỏng khoảng 1.526 tấn hạt giống lúa, rau màu (riêng Hà Tĩnh 270 tấn, Quảng Bình 456 tấn và Quảng Trị 800 tấn). Do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét và ngập dài ngày nên phần lớn các hộ dân tại các tỉnh này không còn tiền để mua hạt giống các loại để thực hiện sản xuất khi nước rút hoặc đến thời vụ gieo trồng.

Cục Trồng trọt cho biết, để khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, căn cứ vào đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hạt giống ngô nếp và hạt giống rau của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã ký 4 quyết định xuất hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất gồm 23 tấn hạt giống ngô và 15,79 tấn hạt giống rau. Đồng thời, căn cứ yêu cầu của các địa phương về số lượng, cơ cấu giống và nguồn giống dự trữ quốc gia hiện có, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 8159/BNN-TT ngày 25/11/2020 gửi xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ các địa phương 2.140 tấn lúa, 300 tấn giống ngô và 30 tấn hạt rau các loại.

Để tiếp tục triển khai khôi phục sản xuất, Cục Trồng trọt đề nghị, đối với sản xuất rau màu, cần chỉ đạo hướng dẫn người dân tranh thủ gieo trồng trên những diện tích có thể gieo trồng được, để có nguồn rau xanh cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, trước mắt, đặc biệt là phục vụ Tết Nguyên đán của người dân địa phương. Tiếp tục rà soát tổng hợp, phân loại mức độ ảnh hưởng diện tích gieo trồng rau màu; cân đối nguồn địa phương đã có, xác định nhu cầu hỗ trợ tiếp hạt giống từ Chính phủ, để đảm bảo đủ lượng giống gieo trồng.

Đối với sản xuất lúa, tập trung rà soát đánh giá hiện trạng diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng, có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng, khôi phục hệ thống thủy lợi để kịp thời đưa vào gieo trồng vụ Đông Xuân tới. Với diện tích đất lúa bị vùi lấp do cát, đất, sỏi tiến hành tổng hợp, đánh giá, phân loại các mức độ vùi lấp, để có biện pháp khắc phục có thể trồng lúa trở lại hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đối với cây lâu năm, cần khẩn trương, tập trung hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật khắc phục các vườn cây bị ngập úng.

Khẩn trương khôi phục sản xuất đàn gia cầm tại các tỉnh miền Trung là công tác đang được ngành Chăn nuôi quan tâm hàng đầu. (Ảnh: NH)

Khẩn trương khôi phục sản xuất đàn gia cầm tại các tỉnh miền Trung là công tác đang được ngành Chăn nuôi quan tâm hàng đầu. (Ảnh: NH)

Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tái sản xuất chăn nuôi

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để kịp thời khôi phục sản xuất sau thiên tai, ổn định đời sống cho người dân khu vực miền Trung thông qua việc tạo sinh kế bền vững, Cục Chăn nuôi cho biết, ngành đang tập trung khôi phục chăn nuôi nhanh chóng, trước mắt là chăn nuôi gia cầm vì chu kỳ sản xuất ngắn để tạo sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Cũng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, ảnh hưởng của đợt bão, lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn nhất về đàn gia cầm tại tỉnh Quảng Trị với tỷ lệ thiệt hại 26,32%, Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình lần lượt là 18,4% và 17,83% so với tổng đàn; đàn gia súc thiệt hại lớn nhất tại tỉnh Quảng Bình 5,68%, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế 3,86% và 2,83% so với tổng đàn.

Ngay trong và sau khi bão lũ xảy ra gây thiệt hại lớn cho người dân các tỉnh miền Trung, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi các đơn vị kêu gọi ủng hộ con giống, vật tư chăn nuôi giúp người dân các tỉnh miền Trung và quân nhân Quân khu 4 và Quân khu 5 để khôi phục chăn nuôi, đặc biệt là con giống gia cầm, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, thuốc sát trùng để có thực phẩm phục vụ dịp tết Nguyên đán. Tổng hợp đăng ký hỗ trợ về con giống và vật tư ủng hộ của các đơn vị ước tính trên 15,4 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào mức độ thiệt hại của các tỉnh, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND 6 tỉnh và 2 Quân khu về kế hoạch phân bổ ủng hộ, để các tỉnh có kế hoạch chủ động tiếp nhận hỗ trợ kịp thời.

Theo Cục Chăn nuôi, để tiếp tục khắc phục sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương bám sát địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật để người chăn nuôi quản lý chăm sóc đàn vật nuôi; tu sửa chuồng trại, tiêu độc khử trùng để tái sản xuất.

Đi cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ con giống, vật tư chăn nuôi, thú y cùng với nguồn dự trữ quốc gia để giúp người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất, sớm có sản phẩm vào các tháng cuối năm và Tết Tân Sửu, trong đó tập trung khôi phục nhanh đàn gia cầm. Mặt khác, hỗ trợ các địa phương thực hiện tổng vệ sinh, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa, lũ tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên. Khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, khắc phục thiệt hại. Hướng dẫn về công tác xử lý môi trường, thu gom xác động vật chết để xử lý; phòng chống triệt để dịch bệnh trên vật nuôi, phục hồi sản xuất./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/khan-truong-khoi-phuc-san-xuat-nham-dap-ung-du-nguon-cung-cho-tet-nguyen-dan-568916.html