Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngay khi đợt mưa lớn và kéo dài lịch sử đi qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trong điều kiện thời tiết dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Ngay khi đợt mưa lớn và kéo dài lịch sử đi qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả trong điều kiện thời tiết dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả ngập úng tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả ngập úng tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai.

Đà Nẵng: Nhanh chóng ổn định đời sống người dân

Với nhiệm vụ sớm ổn định cuộc sống của nhân dân sau mưa lũ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu UBND TP huy động lực lượng vũ trang, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, môi trường sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát các điểm ngập nặng để triển khai các biện pháp nạo vét, khơi thông, thoát nước; điều tiết giao thông, cảnh báo khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Đến chiều 11-12, cùng với việc khơi thông cống rãnh, xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu dân cư, chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đã huy động phương tiện, nhân lực để thu gom rác, xử lý môi trường đồng thời gia cố những vị trí sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau chuyến kiểm tra công tác xử lý ngập úng ở tầng hầm chung cư Hoàng Anh Gia Lai trong đêm của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, đến buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác xử lý ngập tại Q. Liên Chiểu và H. Hòa Vang. Ông Dũng yêu cầu Sở Xây dựng, chính quyền địa phương khảo sát kỹ địa hình ngập úng để nếu cần thiết thì họp dân, lấy ý kiến, thống nhất chủ trương để trình thành phố xem xét di dời các hộ dân trong vùng ngập úng thường xuyên tại Liên Chiểu, Hòa Vang đến nơi ở mới. Tại các bãi biển du lịch, đoàn viên thanh niên, sinh viên trên địa bàn thành phố đã sát cánh cùng công nhân môi trường đô thị, cán bộ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổng vệ sinh, thu dọn hàng chục tấn rác.

Các lực lượng được huy động thu gom rác trên bãi biển Đà Nẵng.

Chiều 11-12, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường nhằm đảm bảo sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân sau đợt ngập nước trong các ngày vừa qua. Trước mắt, Cty CP Môi trường đô thị chịu trách nhiệm chủ động tổ chức công tác thu gom, dọn vệ sinh rác thải đô thị, đảm bảo không có tình trạng tồn lưu rác trên các tuyến đường, trong khu dân cư nhằm tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ. Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án tập trung rà soát khơi thông thoát nước các công trình không để ngập sâu, ngập lâu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng dự án.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh sau mưa lũ, thành phố giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng phối hợp với các Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tiến hành vệ sinh y tế, dịch tễ, phun thuốc phòng dịch để đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh phát sinh các dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng được huy động lực lượng túc trực thường xuyên để dọn rác thải tấp vào bờ theo phương châm rác tấp vào bờ đến đâu thu gom đến đó.

Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, đơn vị đã chỉ đạo Cty Thoát nước và xử lý nước thải cùng các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi và triển khai các biện pháp để bảo vệ, hạn chế tình trạng sạt lở, xâm thực tại các bãi biển, cạnh đó là huy động lực lượng triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà, thăm hỏi người dân bị ngập lũ.

Quảng Nam: Vẫn còn một số vùng cô lập

Theo thống kê, Quảng Nam có 17.600 hộ bị ngập lụt, trong số này 5.991 hộ phải sơ tán. Đợt mưa lớn đi qua làm 3 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại về nông nghiệp, hạ tầng giao thông là rất lớn.

Đến chiều 11-12, ngoài hầu hết người dân sơ tán đã về lại nhà thì một số vùng trũng tại xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) và xã Tam Đàn (H. Phú Ninh), xã Bình An, Bình Nam (H. Thăng Bình) nước vẫn chưa rút, nhiều ngôi nhà vẫn bị cô lập. Chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đến động viên, hỗ trợ những khu vực bị ngập sâu, còn cô lập. Đời sống người dân những khu vực này còn rất nhiều khó khăn. Ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, do địa bàn nằm ở vùng thấp nên hầu như 9 thôn của xã bị ngập hoàn toàn. “Chúng tôi ghi nhận trận lụt này lớn hơn đợt lũ lịch sử năm 1999 là 30cm. Nhờ làm tốt công tác chủ động, kịp thời triển khai thực hiện phương án sơ tán, di chuyển dân vùng cửa sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người”, ông Phong cho hay.

Trong sáng 11-12, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Tam Kỳ đã trực tiếp đến thăm hỏi bà con xã Tam Thăng, động viên và hỗ trợ cho gia đình dân quân Trương Văn Được tử vong trong lúc làm nhiệm vụ. Trao đổi với P.V tại hiện trường, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, sau khi nhận được công điện của tỉnh Quảng Nam, thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai toàn bộ lực lượng, cùng tất cả phương tiện sẵn sàng ứng phó, sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm. Do vậy, Bộ Chỉ huy quân sự TP Tam Kỳ, CATP Tam Kỳ đã phối hợp với lực lượng CA, dân quân địa phương túc trực 24/24 kịp thời đưa sơ tán 1.480 người dân trong vùng nguy hiểm của 13 xã, phường đến nơi an toàn.

Lực lượng công an tỉnh Quảng Nam chuyển lương thực cứu trợ người dân vùng lũ.

Bình Định: KCN Nhơn Hòa bị thiệt hại nặng

Đến chiều 11-12, tuy nước ngập đã rút nhưng trước đó ngập lụt xảy ra trên diện rộng trong 2 ngày 9 và 10-12 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương thuộc tỉnh Bình Định. Trong đó, các Cty, xí nghiệp ở Khu Công nghiệp (KCN) Nhơn Hòa (TX An Nhơn, Bình Định) bị thiệt hại nặng do mưa lớn, nước lên nhanh bất ngờ vào đúng ngày Chủ nhật, phần lớn công nhân đều nghỉ làm nên nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc BQL KCN Nhơn Hòa cho biết, đây là trận ngập nặng nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Mực nước ngập năm nay cao hơn các năm từ 30-40 cm. Sơ bộ, ngập lụt đã gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng của KCN Nhơn Hòa, làm hư hỏng 4.800m2 đường giao thông, 360m2 bê-tông vỉa hè, làm sạt lở 2.050m2 mái kênh mương thoát nước, bồi lấp hệ thống kênh mương, cống rãnh thoát nước, làm hư hỏng hệ thống điện chiếu sáng trong KCN. 34 doanh nghiệp trong KCN đều bị thiệt hại do mưa lũ.

Ông Suraphon Wongkhieo, Phó tổng giám đốc Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam ở KCN Nhơn Hòa cho biết chưa thể thống kê chính xác mức độ thiệt hại nhưng nước lụt lên nhanh đã làm ẩm ướt một phần trong 10.000 tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; hệ thống máy móc trong 2 hầm bị ngập nước sâu tới 9m, chắc chắn đã bị hư hỏng. Để khắc phục, công ty tiến hành bơm hút nước ra, thay máy mới nên phải tạm dừng sản xuất từ 2-3 ngày.

Tại KCN Nhơn Hòa, các Cty, doanh nghiệp cùng BQL KCN đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc BQL KCN Nhơn Hòa cho biết thêm: BQL KCN cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm, sớm thực hiện triển khai Dự án phân lũ sông An Tượng, gia cố đê bao, thi công đập tràn Lỗ Ổi để giảm lượng nước ngập lụt vào KCN.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Một dân quân tử vong sau khi đi cứu hộ về

Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, trong ngày 10-12, anh Trương Văn Được (30 tuổi, trú xã Tam Thăng) là dân quân tự vệ tại chỗ của thôn Mỹ Cang, thành viên ban phòng chống lụt bão của xã cùng với các thành viên trong đội cứu hộ đã đến những nơi bị ngập lũ sâu, di dời, sơ tán dân bị cô lập, mắc kẹt ở vùng lũ. Sau một ngày nỗ lực cứu hộ, đến khoảng 23 giờ cùng ngày, anh Được lội nước lũ về nhà. Thời điểm anh Được về nhà nước lũ ngoài đường ngập đến ngực. Trên đường về nhà bị cảm lạnh và kiệt sức dẫn đến tử vong. Trước khi mất anh sống chung với mẹ già gần 80 tuổi.

Vựa rau của Quảng Nam thiệt hại nặng nề

Mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã khiến nhiều vùng nông nghiệp chủ lực của Quảng Nam bị ngập nặng. Trong đó, nặng nề nhất phải kể đến làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc) nơi cung cấp một lượng rau lớn cho tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Cả thôn Bàu Tròn có tới 300 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh và vùng lân cận. Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, tổng số diện tích hoa màu bị thiệt hại trong đợt mưa lớn này là 120ha. “Chưa bao giờ trên địa bàn không có lũ mà hoa màu thiệt hại nặng như vậy”.

Xuất hiện bong tróc, ổ gà trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Liên quan đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sau đợt mưa lớn từ đêm 8-12, đến sáng 11-12, theo ghi nhận của chúng tôi, mặt đường cao tốc này tiếp tục xuất hiện nhiều vị trí bị bong tróc, ổ gà, có điểm rộng khoảng 60 cm, mặt đường bị lượn sóng, đá dăm nằm rải rác. Những hư hỏng chủ yếu xuất hiện tại khu vực cầu Kỳ Lam (Km17, tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ) có một ổ gà gần lề đường, rộng 40 cm, dài 50 cm, sâu khoảng 5 cm. Hiện nhà thầu đã cắm cọc tiêu cảnh báo phương tiện lưu thông qua điểm này. Ông Lê Quang Hào – Phó tổng giám đốc Tổng Cty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) xác nhận trên toàn tuyến những ngày qua xuất hiện ổ gà rải rác. Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết đã chỉ đạo các nhà thầu vá tạm thời để các phương tiện lưu thông, khi trời nắng sẽ khắc phục triệt để.

Học sinh các trường ngập cục bộ đi học trở lại

Theo thông báo của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, hôm nay (12-12), học sinh tại các trường bị ngập cục bộ được nghỉ trong những ngày qua sẽ đi học trở lại. Ngay sau thời gian bị ngập do mưa lớn, Sở yêu cầu tất cả các trường bị ảnh hưởng triển khai phun thuốc diệt khuẩn, đề phòng dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_199485_khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.aspx