Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

VH- Hiện các địa phương khu vực phía Bắc và một số tỉnh miền Trung đang khẩn trương khắc phục những hậu quả nặng nề bởi lũ và ngập úng.Tính đến sáng nay 22.7 đã có 32 người chết và mất tích, 17 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà bị sập, ngập chim trong nước; hàng chục nghìn người phải di dời khỏi nơi cư trú; hàng chục nghìn hecta hoa màu bị ngập…

Bộ đội dùng cano chuyên dụng đưa người dân ở thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ đi cấp cứu

Theo báo cáo của các tỉnh về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong đợt mưa lũ vừa diễn ra, thiệt hại bước đầu tính đến sáng nay 22.7, đã có 19 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 2 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 2 người); 11 người bị mất tích (Yên Bái: 6 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người). 17 người bị thương (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người, Nghệ An: 1 người). Mưa lũ cũng làm 217 ngôi nhà bị sập, trong đó, Yên bái chịu thiệt hại nặng nhất với 119 nhà, Sơn La với 48 nhà. Đã có 9.591 ngôi nhà bị ngập, trong đó Phú Thọ: 5.042 nhà, Yên Bái: 2.665 nhà, Sơn La: 129 nhà, Lào Cai: 55 nhà, Hòa Bình: 114 nhà; Quảng Ninh: 185 nhà, Thanh Hóa: 32 nhà... Cùng với đó, 5549 ngôi nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng chục nghìn hecta hoa màu và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng...
Mưa lũ cũng đã làm giao thông ngưng trệ tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, trong đó có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18... Theo Bộ Giao thông vận tải, Quốc lộ 32 đi qua tỉnh Phú Thọ có 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B có 3 điểm sạt lở và ngập sâu. Các đơn vị chức năng đã nỗ lực khắc phục để thông xe vào hôm qua, 22.7. Trong khi đó, tại Sơn La, Quốc lộ 43 còn 6 điểm sạt lở, dự kiến trong ngày hôm nay, 23.7 thông xe; Quốc lội 32B có 1 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C: có 1 điểm ngập nước gây tắc đường, các đơn vị đã huy động phương tiện, nhân lực tích cực khắc phục để các phương tiện được lưu thông bình thường trong hôm qua. Tại Quảng Ninh, điểm ngập lụt tại khu vực km15, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả đoạn qua Đèo Bụt, sau khi có yêu cầu của TP Cẩm Phả, Công ty TNHH 1 thành viên than Khe Sim – Tổng Công ty Đông Bắc đã đưa cán bộ, công nhân xuyên đêm lắp đặt máy bơm (công suất 500m3/giờ), trạm điện 400KVA và gần 1.000m đường ống nhằm bơm thoát nước cưỡng bức. Lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã huy động xe cứu hỏa và 1 máy bơm 80m3/giờ để hỗ trợ trong việc thoát nước cưỡng bức tại đây. Hiện giao thông khu vực này đã được giải tỏa. Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cẩm Phả, cho biết, khi chưa tiến hành được dự án thoát nước cho khu vực này, thành phố sẽ mượn lại máy bơm công suất lớn của Công ty TNHH 1 thành viên than Khe Sim đặt tại đây nhằm giải quyết việc thoát nước cưỡng bức trong mùa mưa năm nay.

Mưa lũ làm hỏng nhiều tuyến đường tại Phú Thọ

Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, mưa lũ đã làm sập cầu treo khu Bến Gạo - xã Văn Luông; đứt 1 mố cầu cứng trên đường từ xã Văn Luông đi xã Minh Đài; sụt lún 1 đầu cầu trên đường từ xã Tân Phú Đi xã Xuân Đài; một số điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài từ 10 - 100m như: Dốc Tre, khu Kết - xã Lai Đồng; đường đi khu Mỹ Á - xã Thu Cúc, khu Sặt - xã Vinh Tiền, dốc Đỏ - xã Xuân Sơn đi xã Minh Đài, đường 316E đoạn khu Tân Lập, Tân Thư - xã Minh Đài; đỉnh Đèo Cón - xã Thu Cúc… và nhiều đoạn đường nguy cơ cao bị sạt, lực lượng chức năng phải cảnh báo, phân luồng; đổ cột điện cao thế, vỡ đập tràn xóm Dụ - xã Xuân Đài, trôi nhà văn hóa khu Ú - xã Thu Cúc; nước lũ các suối, tràn tiếp tục dâng cao, chảy xiết nên hệ thống đường liên thôn, liên xã bị chia cắt… Sáng nay 22.7, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo hậu quả của mưa bão và hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Tân Sơn. Đi kiểm tra thực tế tại các công trình giao thông hư hỏng nặng, chia cắt cũng như các vị trí giao thông nguy hiểm, đối với 2 cây cầu bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông là cầu Minh Đài và cầu treo Văn Luông, ông Mạc yêu cầu Sở GTVT sớm lên phương án kỹ thuật, thi công, tập trung xử lý nhịp cầu Minh Đài bị đứt gãy, giao UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để đưa cây cầu lưu thông trở lại trong tháng 8. Cầu treo Văn Luông bị đứt, hư hỏng hoàn toàn 1 trụ cầu phía khu Bến Gạo, xã Văn Luông, UBND huyện Tân Sơn khẩn trương lập phương án khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công, đảm bảo tính bền vững của cây cầu đặc biệt là trong mùa bão lũ, vì đây là cây cầu huyết mạch kết nối các khu, xóm của xã với hệ thống các điểm trường mầm non, tiểu học, trạm y tế,... của xã Văn Luông. Tỉnh lộ 316 tại vị trí dốc Tre, xã Kiệt Sơn bị sạt lở hàng nghìn m3 đất đá, cần tập trung thêm máy móc, thiết bị vận chuyển đất đá đang bị sạt lở đi nơi khác, không san gạt sang hai bên đường, sớm đưa tuyến đường lưu thông trở lại, các sở ngành liên quan tính toán phương án xây dựng kè chân, mái bằng bê tông cốt thép để đảm bảo tình trạng sạt lở tại đây không diễn ra trong các đợt mưa bão tiếp theo.
Cũng trong sáng nay, 22.7, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai tại tỉnh Hòa Bình. Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, do lượng nước về hồ lớn, vào 14 giờ ngày 21.7, thủy điện Hòa Bình đã mở 4 cửa xả đáy. Ngoài 1 người chết và một người bị thương, tại Hòa Bình, hàng trăm nhà dân bị thiệt hại, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông thủy lợi bị phá hủy nghiêm trọng. Tỉnh đã chỉ đạo di dời 260 hộ dân ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn. Trước đó tỉnh đã di dời thành công 74 hộ dân làng vạn chài ở hạ lưu nhà máy thủy điện đến nơi an toàn. Hiện nay, tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ chú trọng nhất vào công tác hỗ trợ an sinh, hỗ trợ về nhà ở và tái định cư, khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Tỉnh Phú Thọ nhiều nơi vẫn bị ngập sâu

Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ, sạt lở đất, vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu. Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các sông miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình.

Nhóm phóng viên Ban Kinh tế - CTV

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/kh%E1%BA%A9n-tr%C6%B0%C6%A1ng-kh%E1%BA%AFc-ph%E1%BB%A5c-h%E1%BA%ADu-qu%E1%BA%A3-m%C6%B0a-l%C5%A9