Khẩn trương hoàn thiện phương án quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phương án quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài phải được xây dựng một cách bài bản, khoa học, bảo đảm đón 60 triệu khách vào năm 2030, 100 triệu khách vào năm 2050, phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát tiến độ triển khai dự án - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát tiến độ triển khai dự án - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Sáng nay, 25/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài.

Bảo đảm an toàn khai thác trong khi sửa chữa đường băng

Kiểm tra tiến độ tại công trường thi công Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là công trình “khó” bởi vừa thi công vừa phải bảo đảm vận hành sân bay an toàn.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu tổ chức thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công, không để xảy ra mất an ninh, an toàn hàng không.

Ngoài ra, do việc đóng một đường cất-hạ cánh để phục vụ thi công nên Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã điều tiết giờ cất-hạ cánh của các hãng hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo điều phối giờ cất-hạ cánh của các hãng hàng không, vừa bảo đảm an toàn khai thác trong thời gian thi công đường cất hạ cánh, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến việc khai thác của các hãng hàng không.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan ưu tiên hỗ trợ vốn cho dự án giao thông cấp bách sửa chữa đường băng của 2 sân bay lớn nhất nước (Nội Bài và Tân Sơn Nhất) để sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân và doanh nghiệp.

Về tiến độ thực hiện, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT)- đơn vị quản lý, giám sát thi công dự án- cho biết, tiến độ thi công tại Nội Bài đạt khoảng 7%, giải ngân được 260 tỷ đồng. Hiện nhà thầu đã huy động hơn 130 đầu xe máy, thiết bị với gần 400 cán bộ, công nhân được bổ sung tăng cường để đáp ứng được tiến độ thi công công trình. Ban Quản lý dự án Thăng Long đang trình phương án rút ngắn tiến độ hoàn thành 3000 m đường cất-hạ cánh 1B vào ngày 30/11 để đưa vào khai thác ngày 31/12/2020.

Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại 2 sân bay (Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất) là dự án giao thông cấp đặc biệt được xây dựng theo hình thức khẩn cấp do Bộ GTVT quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện.

Do tính cấp bách của dự án, Bộ GTVT đã giao Liên danh Tổng công ty xây dựng công trình hàng không ACC - Công ty cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Liên danh ACC - VINADIC - Trường Sơn) là đơn vị tổ chức thi công.

Hoàn thiện báo cáo cuối kỳ Quy hoạch sân bay Nội Bài

Báo cáo tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về Quy hoạch điều chỉnh Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Tư vấn ADPi (Pháp) thực hiện từ tháng 6/2019, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Cảng HKQT Nội Bài sẽ được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Sân bay Nội Bài có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380.

Đến năm 2030, sân bay Nội Bài đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050.

Đáng chú ý, giai đoạn đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 đường cất/hạ cánh, trong đó giữ nguyên 2 đường cất/hạ cánh hiện hữu phía Bắc và xây mới một đường cất/hạ cánh mới phía Nam, cách đường cất/hạ cánh 1B hiện hữu là 2.200 m.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo về tiến độ dự án - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Trong giai đoạn này, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu sẽ tiếp tục được mở rộng để đạt công suất chung giữa T1+T2 là 30-40 triệu khách/năm. Nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm.

Đến năm 2050, sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường CHK (tạo thành cặp đường cất/hạ cánh). Đường cất/hạ cánh thứ 4 sẽ được xây mới ở phía Nam. Nội Bài sẽ có 4 nhà ga hành khách. Theo quy hoạch, Nội Bài sẽ được xây mới nhà ga hành khách T4 công suất 25 triệu khách/năm tại vị trí nhà ga T1 hiện hữu và xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.

Về quy hoạch sử dụng đất, nguyên tắc được tư vấn tuân thủ chặt chẽ là bảo đảm hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội (diện tích khoảng 2.230ha) và bảo đảm đủ quỹ đất cho quốc phòng.

Phê duyệt quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài trong năm 2020

Về vai trò của Cảng HKQT Nội Bài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, Cảng HKQT Nội Bài là cảng cửa ngõ quốc tế của Thủ đô Hà Nội, có vị trí, đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của vùng Thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Những năm qua, Cảng HKQT Nội Bài đã được đầu tư và từng bước nâng cấp, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tuy nhiên, sau thời gian khai thác, chất lượng hạ tầng Cảng HKQT Nội Bài đã xuống cấp, đặc biệt là 2 đường cất hạ cánh, ảnh hưởng lớn đến an toàn cất hạ cánh, đe dọa an ninh, an toàn hàng không.

Đồng thời, do nhu cầu phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách, hàng hóa tại Cảng HKQT Nội Bài đã vượt xa dự báo. Sản lượng khai thác năm 2018 đã là 25,9 triệu hành khách/năm, trong khi dự báo cũ là 13,1 triệu hành khách/năm. Năm 2019, Cảng HKQT Nội Bài đón 29 triệu lượt hành khách, trong khi tổng công suất thiết kế chỉ khoảng 25 triệu.

“Như vậy, Cảng HKQT Nội Bài đã bắt đầu quá tải và việc quá tải sẽ trầm trọng hơn trong những năm tới. Yêu cầu đặt ra là phải sớm đầu tư mở rộng, tăng công suất để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn sắp tới. Trong khi đó, việc đầu tư trong giai đoạn vừa qua còn chắp vá, thiếu khoa học, không bài bản”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài là rất cần thiết, phải khẩn trương thực hiện”.

Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

“Quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Nội Bài phải có tầm nhìn dài hạn, khoa học, bảo đảm khả năng đón 60 triệu khách vào năm 2030, 100 triệu khách vào năm 2050 đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với Tư vấn ADPi (Pháp) nghiên cứu nhiều phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài một cách bài bản, khoa học. Phương án được chọn cơ bản đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặt ra, bám sát yêu cầu phát triển và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 phù hợp với sự phát triển của vùng Thủ đô và khu vực các tỉnh phía Bắc, bảo đảm an ninh-an toàn, hiệu quả, đồng thời để bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo, phối hợp với Tư vấn ADPi rà soát, thống nhất, hoàn thiện phương án chọn bảo đảm tối ưu nhất, với quy mô công suất Cảng HKQT Nội Bài phục vụ 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Đồng thời, Cảng HKQT Nội Bài phải phù hợp với không gian phát triển Vùng Thủ đô; quy hoạch vị trí các công trình bảo đảm công năng, dây chuyền khai thác hợp lý, hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ tiên tiến của ngành hàng không; hạn chế thấp nhất diện tích đất phải bồi thường, đặc biệt là đất ở, bảo đảm thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp nhất; bảo đảm môi trường, quốc phòng-an ninh; có khả năng phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

“Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện phương án chọn và phối hợp các bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hà Nội để thống nhất phương án và có các giải pháp quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch hạ tầng liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng mong muốn Bộ GTVT sớm hoàn thiện Quy hoạch cảng HKQT Nội Bài giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt ngay trong năm 2020, từ đó hoàn thiện để có thể báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư trong năm 2021.

Phan Trang-Đoàn Bắc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/khan-truong-hoan-thien-phuong-an-quy-hoach-tong-the-san-bay-noi-bai/405246.vgp