Khẩn trương giải 'cơn khát' hạ tầng công nghệ thông tin

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế TP. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) CNTT đang thiếu không gian, hạ tầng để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã đến lúc TP phải đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa hạ tầng CNTT để 'giải' cơn khát của các nhà đầu tư.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế TP. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) CNTT đang thiếu không gian, hạ tầng để triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã đến lúc TP phải đầu tư, phát triển mạnh hơn nữa hạ tầng CNTT để “giải” cơn khát của các nhà đầu tư.

Tòa nhà CNTT 18 tầng đang được khẩn trương xây dựng tại P. Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu.

Tòa nhà CNTT 18 tầng đang được khẩn trương xây dựng tại P. Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu.

Thế mạnh mới

Đà Nẵng hiện có hơn 3,1 ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó 880 DN có ngành nghề hoạt động chính thuộc lĩnh vực CNTT&TT, vốn điều lệ hơn 7 ngàn tỷ đồng. Các DN phần mềm của Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm, thiết kế vi mạch, xây dựng các sản phẩm phục vụ chính quyền điện tử, trò chơi trực tuyến... Trong 6 tháng năm 2018, doanh thu hoạt động CNTT của TP đạt hơn 9,3 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 25% so với cùng kỳ. Trước đó, năm 2017, doanh thu công nghiệp CNTT của TP khoảng 14,4 ngàn tỷ đồng, trong đó doanh thu phần mềm và nội dung số (PM&NDS) đạt hơn 8,5 ngàn tỷ đồng, xuất khẩu phần mềm đạt 67 triệu USD. Toàn ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng hiện thu hút hơn 25 ngàn lao động, trong đó khoảng 8 ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực PM&NDS, phần lớn là lao động có trình độ chuyên môn cao. Tại Khu Công viên phần mềm (CVPM) Đà Nẵng hiện có 73 DN hoạt động, duy trì tỷ lệ khai thác đạt 99%.

Nhìn vào số liệu đó cho thấy tốc độ phát triển công nghiệp CNTT của TP rất nhanh. Chưa kể, đây là ngành phát triển bền vững, thu hút đội ngũ nhân lực cao, thu nhập cao, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay. Trong bối cảnh nguồn lực đất đai của TP ngày càng khan hiếm, hiệu quả sử dụng đất của ngành công nghiệp CNTT lại cao, rõ ràng là hướng phát triển phù hợp với TP. Vì vậy, TP cần đẩy mạnh đầu tư không gian hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phân tích: Khu CVPM Đà Nẵng có diện tích xây dựng hơn 23 ngàn m2, thu hút 75 DN, 2.000 lao động, trong năm 2017 doanh thu đạt 1,1 ngàn tỷ đồng. Nếu tính hiệu quả sử dụng đất thì 1ha tạo ra giá trị 450 tỷ đồng/năm, một con số rất lớn. Tương tự, Khu CVPM FPT Đà Nẵng diện tích 33ha thu hút khoảng 2.500 kỹ sư, chuyên gia, doanh thu năm 2017 đạt 880 tỷ đồng, hiệu quả sử dụng đất đạt tỷ lệ 27 tỷ đồng/ha.

Cũng theo ông Thanh, lĩnh vực PM&NDS có giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức cao (năng suất 14 ngàn USD/người/năm). Chưa kể, với ưu thế có 38 cơ sở đào tạo CNTT mỗi năm cung cấp 2.000 nhân lực, người Việt lại nhanh nhẹn, phù hợp và thích ứng nhanh với CNTT nên việc đầu tư cho công nghiệp CNTT được coi là chiến lược phát triển hiệu quả của Đà Nẵng.

Phát triển nhanh hạ tầng CNTT

Điều đáng lo nhất hiện nay là khả năng đáp ứng về mặt bằng, không gian CNTT của TP chưa đủ so với nhu cầu và sự phát triển của DN. Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng (DSA) cho rằng, TP cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT, đặc biệt là hạ tầng các khu CVPM. Đây là một ngành công nghiệp mới của TP được hình thành và phát triển khá mạnh mẽ trong khoảng 10 năm qua, nhưng đang thiếu không gian, thiếu mặt bằng để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh. Gần 10 năm qua, sau khi Khu CVPM số 1 (chỉ vỏn vẹn gần 3.500m2 đất) đi vào hoạt động, hầu như TP chưa đưa vào hoạt động bất kỳ một khu CVPM tập trung nào nữa. Trong khi đó, hàng chục nhà đầu tư CNTT trong và ngoài nước vẫn đang chờ cơ hội tiếp cận mặt bằng và đất đai tại các khu CNTT tập trung của Đà Nẵng đã được đưa vào quy hoạch quốc gia như Khu CNTT tập trung số 1, Khu CVPM số 2. DSA cũng cho rằng, trong vài năm tới, ngoài Khu CNTT tập trung số 1 đã có chủ đầu tư và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, TP cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, kêu gọi vốn xây dựng Khu CVPM số 2 để đáp ứng nhu cầu mặt bằng hoạt động cho cộng đồng DN phần mềm đang phát triển.

Ông Nguyễn Quang Thanh thông tin, với Khu CVPM số 2 rộng 5,3ha tại P. Thanh Bình, hiện các đơn vị đang đề xuất điều kiện, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự kiến tháng 9-2018 sẽ tổ chức đấu giá đất, lựa chọn nhà đầu tư. Với dự án mở rộng CVPM số 1 diện tích sàn xây dựng hơn 1,5 ngàn m2, quy mô 8 tầng, tổng vốn hơn 18 tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm 2019. Với Khu CVPM số 3 dự kiến xây tại Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ), hiện các đơn vị chức năng đang quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Với Khu CNTT tập trung tại xã Hòa Liên (H. Hòa Vang), hiện TP đang xúc tiến, triển khai hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đã hoàn thành 95% giai đoạn 1, đang khớp nối hạ tầng kỹ thuật để cuối năm 2018 hoàn thành, đưa vào xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh TP, nhiều nhà đầu tư cũng lập dự án phát triển không gian, hạ tầng CNTT để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN. Đơn cử như tại ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Tất Thành (P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu), Trung Nam Group đang triển khai xây tòa nhà CNTT cao 18 tầng với tổng vốn 250 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng gần 19 ngàn m2. Hiện tòa nhà được xây dựng gần 10 tầng và đang được đẩy nhanh tiến độ phục vụ nhu cầu thuê mặt bằng của các DN CNTT. Ông Bùi Xuân Định, TGĐ Trung Nam Land tin tưởng, với vị trí thuận lợi, gần khu Công nghệ cao, các KCN lớn, thuận tiện về giao thông, tòa nhà khi đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu của các DN CNTT.

Rõ ràng, với tốc độ phát triển và nhu cầu cao về không gian CNTT, nếu được kịp thời đáp ứng, Đà Nẵng sẽ nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp CNTT của khu vực, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế TP.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_194331_khan-truong-giai-con-khat-ha-tang-cong-nghe-thon.aspx