Khẩn trương điều tra thủ phạm phá rừng quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định

Ngay sau khi các cơ quan chức năng huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định phát hiện ra vụ phá rừng có quy mô lớn nhất tỉnh, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc điều tra.

* Yêu cầu điều tra, làm rõ vụ phá rừng tại Bình Định

Cụ thể, ngày 2-9, lực lượng chức năng huyện An Lão phát hiện vụ phá rừng trên diện rộng, với tổng diện tích rừng bị phá khoảng 43,7 ha. Địa điểm xảy ra vụ việc là khoảnh rừng số 7 và số 8, tiểu vùng 1, xã An Hưng. Đây là vùng giáp ranh giữa ba huyện: An Lão, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) và Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi).

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo UBND huyện An Lão lập tức đến hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện xác lập hồ sơ đưa vào tin báo tội phạm, đồng thời phối hợp Công an huyện An Lão khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định thiệt hại rừng, sớm khởi tố vụ án.

Sau đó, ngày 9-9, đoàn kiểm tra liên ngành gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh Bình Định, lãnh đạo huyện An Lão và Hoài Nhơn đã tiến hành kiểm tra hiện trường.

Tuy khu vực phá rừng thuộc địa phận xã An Hưng, huyện An Lão, nhưng do đi từ hướng An Lão rất khó khăn nên đoàn công tác đã tiếp cận địa điểm từ hướng xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Theo nhận định ban đầu của lực lượng kiểm lâm An Lão, đây chính là con đường mà lâm tặc đã sử dụng để đi lên phá rừng. Chúng đã dùng xe cơ giới mở đường đất, xuyên rừng vào tận nơi đây để phá rừng, trồng keo lai.

Khu vực rừng bị phá trắng tại các khoảnh 7 và 8, tiểu khu 1, thuộc sự quản lý của UBND xã An Hưng, huyện An Lão. Vị trí thứ nhất (tại khoảnh 8), nơi 13,1 ha rừng bị phá, có trạng thái rừng IIa. Đối tượng phá rừng dùng xe cơ giới mở đường dài khoảng 500 m để thuận tiện cho việc phá rừng.

Theo quan sát, hàng loạt cây gỗ lớn và toàn bộ thực bì đã bị chặt bỏ, đốt. Hạt Kiểm lâm An Lão xác định thời điển phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 30 ngày. Các đối tượng đã trồng keo lai trên 7 ha trong khu vực này sau khi phá rừng.

Vị trí thứ hai (cũng tại khoảnh 8) bị phá trắng 17,4 ha, hàng loạt cây gỗ có đường kính mặt cắt từ 10-60 cm, chiều cao gốc chặt từ 0,3-0,6 m, thân gỗ có chiều dài từ 10-20 m bị đốn hạ nhưng chưa kịp đốt; dụng cụ cưa hạ cây gỗ là cưa máy cầm tay, thời điểm phá rừng cách thời điểm kiểm tra khoảng 7 đến 10 ngày.

Vị trí thứ ba (tại khoảnh 7), nơi 13,2 ha rừng bị phá, được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ. Hiện trạng cây gỗ và rừng bị phá tương tự tại hai điểm trên. Cây gỗ bị hạ còn nguyên tại hiện trường, lá trên cây bị đốn vẫn còn xanh, thân gỗ có chiều dài từ 10-20 m. Cách đây khoảng hai tháng, lực lượng kiểm lâm các huyện đã cắm mốc địa bàn nhưng chưa phát hiện vi phạm, như vậy thời gian lâm tặc phá rừng là rất nhanh.

Đường vào khu vực rừng bị chặt hạ được rào chắn, khóa bằng xích sắt, lực lượng kiểm lâm đã phải dùng búa để phá khóa. Ngay dưới điểm phá rừng, phát hiện một lán trại rộng khoảng 15 m2, trong lán có đầy đủ dụng cụ sinh hoạt, quần áo, thức ăn, nước uống. Tại thời điểm kiểm tra, trong lán không có người.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đây là vụ phá rừng có tổ chức, rất nghiêm trọng, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. “Sau sự việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là phải có các giải pháp chấn chỉnh như: chọn chủ rừng có năng lực, các chủ rừng là UBND xã phải có phương án chuyển về cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ hoặc cho nhân dân, vì UBND cấp xã không đủ năng lực giữ rừng”, ông Hổ nêu ra giải pháp ngăn chặn phá rừng.

Còn theo ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão, nguyên nhân lực lượng kiểm lâm không phát hiện sớm vụ việc nghiêm trọng này là do địa bàn gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát rừng. “Chúng tôi vẫn đi tuần tra hằng tuần, nhưng do đi lại khó khăn nên chỉ tới đỉnh núi phía An Lão nhìn qua, khu vực này lại khuất nên không phát hiện được. Trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về chúng tôi, đây là bài học sâu sắc đối với Hạt kiểm lâm An Lão”.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, để vào khu vực rừng của An Lão, lâm tặc đã đi từ phía xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn lên. Con đường duy nhất dẫn vào khu vực này phải đi qua một trạm chốt chặn tại xã Hoài Sơn của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn. Tất cả ô-tô, xe máy ra vào khu vực đều phải đi qua chốt này. Vậy câu hỏi đặt ra là một lượng lớn người, xe cộ, dụng cụ, cây keo giống đã đi qua chốt chặn này như thế nào? Có hay không lỗ hổng trong việc bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn và Hạt Kiểm lâm An Lão?

Hiện, các ban ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định vẫn nỗ lực tìm ra thủ phạm và xử lý hậu quả vụ việc gây ra.

CÁT HÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/34045002-khan-truong-dieu-tra-thu-pham-pha-rung-quy-mo-lon-nhat-tinh-binh-dinh.html