Khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Những cánh rừng đặc dụng trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) mặc dù được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, song mới đây, hàng chục cây gỗ mun quý hiếm cùng nhiều loại gỗ khác đã bị khai thác trái phép, mà không bị phát hiện ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.

Gốc một cây gỗ mun bị chặt hạ trái phép trong rừng Phong Nha.

Gốc một cây gỗ mun bị chặt hạ trái phép trong rừng Phong Nha.

Ngang nhiên phá rừng đặc dụng

Theo quy định, vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bất kỳ phương tiện cơ giới nào đi theo hướng từ rừng Phong Nha trở ra đều được các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia tại các chốt trên đường 20 Quyết thắng kiểm tra kỹ càng. Thế nhưng, nhiều khu vực trong rừng đặc dụng vẫn bị phá để lấy gỗ mun.

Từ trung tâm xã Thượng Trạch, chúng tôi vượt qua một con suối cạn cắt ngang con đường độc đạo để đến bản Coóc, xã Thượng Trạch. Ngay đầu bản là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Cách cổng đồn chưa đầy cây số, có một tuyến đường nhỏ dẫn vào rừng sâu, có dấu mòn vẹt do kéo gỗ nhiều lần. Sau gần hai giờ cắt rừng, vượt những con dốc cao dựng đứng, chúng tôi đã tiếp cận được khu vực rừng mà lâm tặc tàn phá, nhiều cây gỗ mun đường kính khoảng 50 đến 80 cm bị đốn hạ. Phần lõi của thân cây đã bị lấy đi, còn trơ lại cành, ngọn, gốc và mạt cưa ngổn ngang. Quanh đó, nhiều gốc cây gỗ các loại khác cũng bị triệt hạ. Đi bộ thêm hai giờ đồng hồ ngược lên phía trên, chúng tôi tiếp tục chứng kiến hàng chục gốc gỗ mun, có cây đường kính đến gần 1m bị đốn hạ, cưa, xẻ lấy gỗ. Nhiều loài cây gỗ quý khác như: táu, trâm, trơng, nang, bài lài cũng bị lâm tặc chặt phá ngổn ngang, với số lượng gỗ bị khai thác ước tính hơn 30 m3. Đi thêm chừng vài chục mét nữa, một khoảnh rừng khác cũng bị phá tan hoang. Hiện trường cho thấy, dấu tích lều lán sinh hoạt và bếp nấu ăn vẫn còn, chứng tỏ nhóm phá rừng nhiều người, việc khai thác gỗ trái phép theo cách có tổ chức. Toàn bộ cây gỗ đều bị cưa hạ bằng cưa xăng, thời gian khai thác khoảng tháng 11 và 12-2018. Khu vực bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng và thuộc khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ở hai xã biên giới Thượng Trạch và Tân Trạch của huyện Bố Trạch hay vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lâm sản muốn vận chuyển về xuôi không phải là điều dễ dàng bởi chỉ bằng một con đường độc đạo, đó là tuyến đường 20 Quyết thắng. Trên tuyến đường này có bốn trạm kiểm soát lâm sản, trong đó hai trạm có chốt ba-ri-e được lực lượng kiểm lâm vườn trực 24/24 giờ. Tất cả các loại phương tiện cơ giới đi từ rừng ra đều bị kiểm tra nghiêm ngặt. Mặt khác, ngay tại địa bàn xã biên giới Thượng Trạch có tới hai Đồn Biên phòng đóng quân, với nhiều tổ, đội công tác chốt tại các bản. Nhưng không hiểu sao vụ phá rừng di sản nghiêm trọng xảy ra mà không lực lượng nào phát hiện để ngăn chặn. Chỉ đến cuối tháng 2 vừa qua, khi lực lượng chức năng của Vườn đi kiểm tra hiện trạng rừng thì mới phát hiện tại tiểu khu 649 và 650 thuộc xã Thượng Trạch có 66 cây gỗ bị khai thác trái phép với tổng khối lượng 70 m3. Trong đó có 45 cây gỗ mun (nhóm IIA) và 21 cây còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài… Mở rộng kiểm tra tại địa bàn dân cư ở xã Thượng Trạch, tiếp tục phát hiện trong nhà của ông Mai Văn Dinh (sinh năm 1970, quê xã Sơn Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch có cất giấu gỗ trái phép. Lực lượng chức năng thu giữ tại nhà này 42 phách gỗ các loại với khối lượng 1,4 m3, trong đó có 0,9 m3 gỗ mun nghi là tang vật của vụ phá rừng nói trên.

Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm vườn Lê Thanh Tịnh cho biết: Qua nắm thông tin và điều tra ban đầu cho thấy vụ phá rừng nghiêm trọng diễn ra trong vùng lõi của vườn là do một số đối tượng ở hai xã Sơn Trạch và Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cấu kết với một số dân bản ở xã Thượng Trạch thực hiện. Đồng thời ông Lê Thanh Tịnh khẳng định: “Để xảy ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên khai thác rừng trái phép để lấy gỗ mun quý hiếm, trách nhiệm chính và trực tiếp thuộc về Ban quản lý Vườn quốc gia và lực lượng chuyên trách giữ rừng của vườn. Tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, tôi chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh”.

Vẫn biết để mất rừng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, nhưng rừng trong khu vực biên giới, nơi quản lý của Đồn Biên phòng Cồn Roàng thì không thể không nói đến trách nhiệm của đơn vị này trong công tác bảo vệ rừng Di sản thiên nhiên thế giới. Hiện vụ việc đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo khẩn trương thu thập thông tin, củng cố hồ sơ để khởi tố, điều tra làm rõ, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG và TRẦN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/39504702-khan-truong-dieu-tra-lam-ro-vu-pha-rung-trong-vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang.html