Khẩn trương diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh CHIKV

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Viện Pasteur TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các cơ sở y tế công lập tăng cường các biện pháp giám sát và kiểm soát véctơ phòng bệnh nhiễm virus Chikungunya (CHIKV).

Lực lượng chức năng tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa.

Lực lượng chức năng tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa.

Theo đó, bệnh CHIKV lây truyền qua muỗi Aedes (muỗi vằn), có khả năng gây thành dịch. Đến nay, dịch đã bùng phát và lan rộng khắp 12 tỉnh, thành phố của Campuchia, trong đó có những tỉnh giáp với Việt Nam như: Tbong Khnum, Ta Keo, Kampot. Nguy cơ dịch xâm nhập, lan rộng tại các tỉnh phía Nam rất lớn, đặc biệt là những tỉnh có biên giới với Campuchia nếu không kịp thời giám sát và chủ động kiểm soát véctơ.

Lãnh đạo Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tổ chức giám sát trọng điểm lồng ghép các loại virus gồm CHIKV, sốt xuất huyết Dengue, Zika; thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động. Các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, thu dung người nghi nhiễm các bệnh trên, điều tra, quản lý chặt thông tin bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm đúng chỉ định.

Đặc biệt, cần sớm triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi hiệu quả. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh, thực hiện xử lý véctơ như xử lý véctơ của ổ dịch sốt xuất huyết Dengue…

Các triệu chứng của người nhiễm virus CHIKV như: sốt, đau khớp, đau cơ, phát ban, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202008/khan-truong-diet-lang-quang-phun-hoa-chat-diet-muoi-phong-benh-chikv-3018387/