Khan hiếm soạn giả - nỗi lo lớn trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương

Hiện trạng 'tre già nhưng măng chưa mọc' đang là nỗi lo lớn trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Hoạt động sân khấu cải lương tại Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây sôi động hơn trước do có sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng, thu hút sự quan tâm của khán giả.

Tuy nhiên, môn nghệ thuật truyền thống này đang có sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác, soạn giả cải lương nhằm tạo ra những tác phẩm hay, chất lượng.

Hiện trạng “tre già nhưng măng chưa mọc” đang là nỗi lo lớn trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay.

“Tre già nhưng măng chưa mọc”

Sân khấu cải lương tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam một thời phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động sôi nổi, nhiều soạn giả tài hoa viết kịch bản bằng cảm xúc chân thật nhưng họ lại thiếu người nối nghiệp.

Bên cạnh đó, trường lớp đào tạo chuyên ngành biên kịch đang khan hiếm, soạn giả chủ yếu viết dựa vào năng khiếu, tư duy nên dần xảy ra tình trạng bị mai một theo thời gian.

Hiện chỉ còn một số đội ngũ tác giả kỳ cựu như soạn giả Đức Hiền nay đã hơn 70 tuổi, tiếp đó là hai soạn giả Song Việt và Đăng Minh cũng đã ngoài 60.

Trong khi đó, lớp tác giả trẻ kế thừa vẫn còn loay hoay, chưa định hình được tên tuổi, thể hiện được dấu ấn mạnh mẽ qua các tác phẩm sân khấu độc đáo riêng.

Chia sẻ về vai trò của đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng, người có hơn 60 năm hoạt động làm nghệ sỹ biểu diễn, đạo diễn, quản lý đào tạo và giảng dạy cải lương cho biết, soạn giả luôn được xem là “thầy tuồng” của sân khấu, là người quyết định sự thành bại của một vở diễn chỉ sau đạo diễn.

Vào thời điểm hoàng kim, sân khấu có hàng chục đoàn hát hoạt động, vai trò của soạn giả lúc đó được xem là vô cùng quan trọng. Tác phẩm của từng soạn giả mang tính cạnh tranh cao về chất lượng, phong cách đặc trưng.

Tuy nhiên, hoạt động sân khấu cải lương hiện đã thay đổi bởi sự xuất hiện, cạnh tranh của nhiều hình thức giải trí mới. Cùng với đó, nhiều sân khấu cải lương xuống cấp, các đoàn hát “rệu rã,” nhiều nghệ sỹ tìm hướng chuyển sang hoạt động và phát triển ở lĩnh vực khác.

Trong khi đó, thế hệ trẻ kế thừa của sân khấu truyền thống lại mỏng, yếu tay nghề, đặc biệt là đội ngũ sáng tác ngày càng ít về số lượng. Tất cả những nguyên nhân trên đã níu bước sự phát triển của sân khấu. Sân khấu hôm nay cần phải thay một màu áo mới cho đội ngũ viết kịch bản.

Nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng cho rằng việc am hiểu cải lương là tiêu chí cần thiết phải có của một tác giả viết kịch bản. Để cho ra đời một tác phẩm cải lương hấp dẫn, bài bản cần nắm chắc được tính chất cải lương đặc thù từng vùng miền Bắc, Nam, oán, vọng cổ... sao cho phù hợp với từng thể loại kịch bản.

Tương tự, soạn giả Đăng Minh chia sẻ để trở thành một soạn giả không khó tuy nhiên cần nhiều yếu tố, bắt nguồn từ sự nhiệt tình và cái tâm trong nghề. Trong bối cảnh hiện tại, đòi hỏi người soạn giả phải có sự đổi mới, cân nhắc cho phù hợp, vì trong nghệ thuật không đổi mới đồng nghĩa với việc khó lòng sinh tồn.

Soạn giả Đăng Minh tâm sự cải lương không đơn giản chỉ là nguồn sống, là công việc mà đó còn là niềm đam mê lớn đối với ông.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Ở mỗi vở cải lương, ông luôn nghiên cứu, ấp ủ, cố gắng đổi mới, phát triển ý tưởng, cấu trúc, tiết tấu âm nhạc và cách xây dựng hình tượng nhân vật, bố trí không gian nhằm cho ra đời một tác phẩm làm sao hội tụ đủ cả chất và hồn cải lương, dung hòa giữa cũ và mới, sử dụng tất cả kinh nghiệm để tích lũy cùng với cập nhật thời đại để đưa vào tác phẩm sao cho phù hợp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả ngày nay.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những những sáng tác trẻ lại thiếu những yếu tố trên, cũng như không cập nhật được hơi thở cuộc sống hiện đại đưa vào các sáng tác của mình. Bên cạnh đó, sự đầu tư về thời gian, công sức của các tác giả trẻ cho nghệ thuật cải lương còn rất ít ỏi.

Nỗ lực gieo mầm tài năng trẻ

Nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng bày tỏ một số em tốt nghiệp diễn viên, đạo diễn có khả năng viết, sáng tác nhưng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa có lớp đào tạo biên kịch.

Vì vậy nên có nguồn kinh phí tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho những nhân tố tiềm năng này. Từ kiến thức học ở nhà trường và năng khiếu cá nhân, các em đã thích và am hiểu cải lương phải biết một kịch bản cải lương cần những gì, đặc trưng kịch bản như thế nào, phải nắm bắt được âm nhạc cải lương, các bài bản, hiểu phương pháp biên kịch bên cải lương có đặc thù riêng như thế nào trước khi có sáng tạo riêng. Các bạn trẻ năng động, thích tìm tòi sáng tạo cái mới, nếu không có kinh nghiệm, hiểu sâu về cải lương cũng khó có những tác phẩm hay.

Đồng quan điểm, nghệ sỹ ưu tú Trần Minh Ngọc, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nền sân khấu phát triển hay không trước hết là phải có đội ngũ sáng tác tài năng nhằm đưa ra kịch bản chất liệu tốt tạo ra tác phẩm hay đáp ứng nhu cầu của khán giả mộ điệu.

Tuy nhiên, tình hình sân khấu cải lương hiện còn là nỗi trăn trở lớn bởi những người am hiểu cải lương ngày càng già đi, tuổi cao không còn cống hiến để viết, mà lớp trẻ lại không hiểu biết về cải lương. Vì vậy, các tác giả hiện nay duy trì sân khấu bằng cách chuyển thể từ kịch nói sang cải lương.

Nhận thấy đội ngũ trẻ hiện nay chưa có chuyên môn, hiểu biết sâu về cải lương, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng thêm kiến thức cho các tác giả trẻ thích sáng tác cải lương nhằm mục đích nâng cao kiến thức, thực hiện các đợt sáng tác thực tiễn để cho các tác giả có thêm chất liệu mới, sáng tạo các tác phẩm mới. Tuy nhiên, đây chỉ là một hoạt động góp sức, các yếu tố tức thời, chưa phải là lời giải cuối cùng cho bài toán tìm kiếm đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu chất lượng.

Nghệ sỹ ưu tú Trần Minh Ngọc nhấn mạnh vấn đề xây dựng đội ngũ sáng tác cho sân khấu hôm nay và tương lai là vô cùng cấp thiết. Do đó, nên có sự quan tâm xây dựng dự án đào tạo bài bản cho những người trẻ, có niềm đam mê sáng tác, để từng bước đào tạo ra các “tay viết mới,” phát hiện, bồi dưỡng thêm tài năng sáng tác trẻ, tạo nguồn tác giả kế thừa đa năng, giỏi nghề.

Theo các soạn giả cải lương lão làng, để giải tỏa vấn đề khan hiếm kịch bản biểu diễn cho các sân khấu cải lương của thành phố, những trại sáng tác cần có phương án tổ chức viết về cải lương với nội dung, thể loại đa dạng, đi sâu vào nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội để tác phẩm sau khi ra đời có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả.

Sự thay đổi trong đào tạo, đầu tư, chú trọng, nâng chất đội ngũ sáng tạo kịch bản là điều kiện đầu tiên trong dây chuyền hình thành và trình diễn một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, tạo ra hy vọng mới cho sân khấu cải lương tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khan-hiem-soan-gia-noi-lo-lon-trong-linh-vuc-nghe-thuat-cai-luong/660119.vnp