Khan hiếm sách giáo khoa: Đặt kinh doanh lên hàng đầu khiến học sinh thiệt thòi

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, không nên đặt bài toán kinh tế lên trên khiến học sinh thiệt thòi.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.

Như Lao Động đã thông tin, cho tới thời điểm này, không ít phụ huynh có con học các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) vẫn chạy đôn chạy đáo tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con nếu không đăng ký mua sách ở trường từ trước. Việc chưa mua đủ sách cho con khi năm học mới đang đến rất gần khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Khan hiếm sách giáo khoa để tránh tồn kho, dư thừa

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm sách giáo khoa được đại diện Bộ Giáo dục đào tạo, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và một số nhà sách đưa ra.

Thứ nhất, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, trong đó có Hà Nội, nên ở một vài cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ có hiện tượng thiếu SGK tạm thời.

Nhiều phụ huynh đến nay vẫn nháo nhác đi tìm mua sách cho con khi năm học mới đang đến gần.

Nguyên nhân thứ hai, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài Công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành.

Lấy kinh doanh lên hàng đầu làm học sinh thiệt thòi

Bình luận về hiện tượng khan hiếm sách giáo khoa diễn ra tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, NXB sách có lý giải rằng nhà sách in đủ nhưng do các nhà phát hành sách lo ngại năm sau sẽ còn không dùng bộ sách này nữa, nếu lấy dư số lượng quá nhiều năm sau cũng sẽ không bán được. Nhà phát hành sách đã không dự trù đúng số lượng học sinh của từng tỉnh một dẫn đến việc thiếu sách giáo khoa.

Nhiều sách đầu cấp “vắng bóng” trên kệ sách.

“Nhà xuất bản và các cơ quan phân phối sách đã không lấy mục tiêu phục vụ học sinh làm chính mà lấy lợi ích kinh tế của mình lên hàng đầu, dẫn đến không phục vụ kịp thời nhu cầu học tập của học sinh. Đây là vấn đề cần xem xét lại, lấy kinh doanh lên hàng đầu khiến cho học sinh quá thiệt thòi” – TS Tùng Lâm phân tích.

Đáng nhẽ NXB nên có sự tính toán tỉ mỉ, có số liệu thống kê, yêu cầu các địa phương báo cáo số lượng học sinh. Nếu NXB làm cẩn thận, kĩ lưỡng hơn và có ý thức phục vụ thì không có chuyện phụ huynh phải nháo nhác đi tìm mua SGK như hiện nay.

Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, mang bài toán kinh tế vào để tính toán thiệt hơn là không được.

“Nói đến trách nhiệm, phải nói đến cả 2 bộ phận, trước hết là nhà xuất bản, sau đó là bộ phận phân phối của các tỉnh, thành; các Sở giáo dục, phòng giáo dục cũng chưa bám sát tình hình để có đơn đặt hàng mà coi như đó là việc ngẫu nhiên của nhà xuất bản, dẫn đến việc không có sự kiểm tra, đôn đốc. Nếu có sự kiểm tra, đôn đốc chắc chắc tình trạng này sẽ được khắc phục sớm hơn” – TS Tùng Lâm khẳng định.

Nguyễn Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/khan-hiem-sach-giao-khoa-dat-kinh-doanh-len-hang-dau-khien-hoc-sinh-thiet-thoi-626900.ldo